Quảng Ninh:

Nhà thầu dự án trụ sở Thi hành án vi phạm pháp luật thế nào?

Thứ năm, 21/03/2024 14:23
(ThanhtraVietNam) - Hàng loạt tồn tại, bất cập trong đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc của Chi cục Thi hành án dân sự TP Cẩm Phả, Quảng Ninh được phát hiện bởi Thanh tra Bộ Tư pháp. Vì sao Nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát bị kết luận vi phạm Luật Đấu thầu? Luật sư kiến nghị gì?

Xây dựng đúng thiết kế

Với mục tiêu tạo nơi làm việc cho cán bộ, công chức đảm bảo điều kiện làm việc và tiếp dân đúng quy định, Bộ Tư pháp đã đầu tư xây dựng công trình Trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cẩm Phả và giao đơn vị này làm Chủ đầu tư.

Theo đó, công trình nhà 3 tầng 360 m2 và phụ trợ được xây dựng trên diện tích khu đất 2.585 m2 tại phường Cẩm Bình được Tổng cục Thi hành án dân sự phê duyệt có tổng mức đầu tư vào năm 2014 là 14,984 tỷ đồng và điều chỉnh lên 17,168 tỷ đồng vào năm 2019; thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 - 2020.

Tiến hành thanh tra tại địa phương và làm việc với cơ quan, tổ chức liên quan, Thanh tra Bộ Tư pháp ghi nhận, công trình được xây dựng theo đúng thiết kế, các hạng mục móng, dầm, cột, tường, sàn bê tông của nhà kho kín, nhà bảo vệ, cổng, hàng rào, sân, đường nội bộ đến thời điểm thanh tra chưa có biểu hiện lún nứt, cong vênh, hư hỏng, xuống cấp; công trình, đất đai được quản lý, sử dụng đúng mục đích…

leftcenterrightdel
Trụ sở  xây dựng tại phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả 

Chủ đầu tư, thi công, tư vấn đều vi phạm

Đối với 7 gói chỉ định thầu rút gọn, Thanh tra Bộ Tư pháp nhận xét, quy trình chỉ định đảm bảo thực hiện đúng Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ; nhà thầu được đề nghị chỉ định có tên trong cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, gói thầu cung cấp thiết bị không thực hiện đúng hợp đồng.

Tuy nhiên, hàng loạt tồn tại, thiếu sót, vi phạm của Chủ đầu tư về đấu thầu, khởi công, tiến độ thi công, gói thầu cung cấp thiết bị, bảo hiểm công trình, lập hồ sơ quyết toán và việc thẩm tra quyết toán công trình của Tổng cục Thi hành án dân sự đã được chỉ ra.

Ngoài ra, công trình còn chưa đáp ứng được toàn diện công năng sử dụng cho công chức, người lao động như: Không có hạng mục Kho vật chứng trong khi diện tích đất được cấp đủ điều kiện xây; không có hạng mục điều hòa nhiệt độ dẫn đến môi trường làm việc nóng nực, không đảm bảo điều kiện làm việc, tiếp công dân, cá nhân phối hợp công tác; hạng mục tổng đài điện thoại 8 trung kế 24 máy lẻ đã cấp không được khai thác, sử dụng, gây lãng phí ngân sách…

Đáng chú ý, việc chấp hành pháp luật của Nhà thầu thi công xây dựng (Công ty Cổ phần Xây lắp công trình thép Hưng Thịnh) và Nhà thầu tư vấn giám sát thi công (Công ty Cổ phần Xây dựng và tư vấn thiết kế P&T) còn tồn tại, vi phạm cần xác định rõ hơn trách nhiệm và xử lý đúng quy định. Cụ thể:

Nhà thầu thi công công trình chậm 36 tháng theo hợp đồng ký năm 2016; một số hạng mục thi công không đầy đủ với thực tế thi công; không cử nhân sự tham dự công bố Quyết định thanh tra nhưng cũng không có văn bản phản hồi về việc vắng mặt.

Đặc biệt, doanh nghiệp này còn không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện thi công công trình theo yêu cầu của cơ quan Thanh tra.

Nhà thầu tư vấn giám sát thi công cũng không cử nhân sự tới tham dự công bố Quyết định thanh tra, không phản hồi về việc vắng mặt.

Từ những kết luận trên, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cẩm Phả đôn đốc, thu hồi số tiền thanh quyết toán không đúng thực tế khối lượng thi công nộp ngân sách nhà nước.

Việc kiểm điểm đối với Chủ đầu tư theo từng giai đoạn và các cá nhân liên quan cũng được yêu cầu tổ chức họp nghiêm túc.

Tổng cục Thi hành án dân sự được kiến nghị, đảm bảo việc thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành đối với các công trình xây dựng cơ bản đúng thời gian theo quy định; thực hiện việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Thi hành án hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp công năng sử dụng, đúng tiến độ…

Cần xử lý hành vi không hợp tác với cơ quan thanh tra

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, Luật sư Hoàng Việt Hùng - Giám đốc Công ty Luật Uplaw cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rất rõ về trách nhiệm của nhà thầu như: Yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; thực hiện các cam kết theo hợp đồng đã ký và cam kết với nhà thầu phụ; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra…

Đồng thời, được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình tham dự thầu; bảo đảm trung thực, chính xác trong quá trình tham dự thầu, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt là, phải cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

leftcenterrightdel
Luật sư Hoàng Việt Hùng trao đổi với phóng viên ngày 21/3/2024 

Dù có một số thay đổi nhưng Luật Đấu thầu năm 2023 vẫn tiếp tục quy định nhà thầu phải cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm theo yêu cầu của cơ quan thanh tra.

Như vậy, việc không có mặt tại buổi công bố Quyết định thanh tra nhưng không phản hồi lý do và không cung cấp thông tin, tài liệu, không giải trình theo yêu cầu của cơ quan thanh tra là hành vi vi phạm trách nhiệm của nhà thầu được quy định tại khoản 7 Điều 77 Luật Đấu thầu năm 2013.

Đoàn thanh tra cần có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xử lý những doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật đấu thầu và cảnh báo để các chủ đầu tư cân nhắc kỹ trước khi làm việc với những nhà thầu này.

Về cơ chế, chính sách, cần nghiên cứu chế tài để áp dụng đối với những trường hợp không thực hiện yêu cầu của cơ quan thanh tra, gây khó khăn trong quá trình xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra