Ngành Thuế:

Phân tích rủi ro để thanh tra, kiểm tra, chặn dùng hóa đơn trái luật

Thứ tư, 02/08/2023 14:54
(ThanhtraVietNam) - Phân tích rủi ro để xác định người nộp thuế có dấu hiệu nghi ngờ gian lận để đưa vào kiểm tra, thanh tra là một trong những giải pháp ngăn chặn buôn bán, sử dụng hóa đơn điện tử trái pháp luật được ngành Thuế áp dụng.

Cấm gian dối, cản trở thanh tra, kiểm tra

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; việc quản lý, sử dụng chứng từ khi thực hiện các thủ tục về thuế, thu phí, lệ phí và quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ.

Theo đó, công chức thuế bị cấm gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ; bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

Còn các tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; cản trở công chức thuế thi hành công vụ (cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ); truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Hóa đơn điện tử (HĐĐT) là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, về thuế, gồm cả hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Tại buổi công bố hệ thống HĐĐT toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu ngành Thuế quán triệt đến toàn hệ thống thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng HĐĐT, đảm bảo đến trước ngày 01/7/2022, toàn bộ doanh nghiệp tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Tổng cục Thuế phân tích dữ liệu người nộp thuế. Ảnh: NT

8 giải pháp ngăn chặn vi phạm

Hệ thống HĐĐT lưu vết toàn bộ dữ liệu của người mua, người bán nên hành vi mua, bán hóa đơn không hợp pháp được kỳ vọng là sẽ bị phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Việc phát hiện sớm các trường hợp mua bán hóa đơn không hợp pháp cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Bản thân ngành Thuế cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn vi phạm trong đó có giải pháp về công nghệ thông tin như:

Việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức kê khai thuế sẽ bị phạt về hành vi trốn thuế và truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi bán hóa đơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một là, đẩy mạnh quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro theo các tiêu chí đánh giá để xác định người nộp thuế có rủi ro cao là người nộp thuế có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra.

Hai là, tăng cường đối chiếu thông tin giữa dữ liệu người nộp thuế tại hồ sơ khai thuế, tại dữ liệu HĐĐT người nộp thuế đã khởi tạo, gửi cơ quan thuế để đưa ra danh sách người nộp thuế có sự sai lệch giữa hồ sơ và dữ liệu, đảm bảo doanh nghiệp khai đúng, đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế.

Ba là, kiểm soát thông tin HĐĐT, kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo sớm giúp đưa ra các trường hợp cần giám sát, kiểm tra thường xuyên. Tiến tới phòng ngừa từ sớm, từ xa việc xuất khống HĐĐT, cảnh báo tới người nộp thuế về sự bất thường hoặc đột biến so với hoạt động kinh doanh thông thường trong sử dụng hóa đơn ngay khi người nộp thuế xuất hóa đơn. Việc này được thực hiện theo ngày để ngăn chặn cảnh báo việc xuất hóa đơn của người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro.

Bốn là, nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo vào phân tích dữ liệu HĐĐT như: Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học máy, thống kê nhận biết tên hàng hóa, dịch vụ; xác định giá trị hàng hóa bất thường; xác định chuỗi mua bán giữa các doanh nghiệp giúp Trung tâm phân tích dữ liệu HĐĐT có thể phát hiện ra những trường hợp gian lận, nghi ngờ mua bán hóa đơn với xâu chuỗi nhiều doanh nghiệp tham gia.

Năm là, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng HĐĐT, Tổng cục Thuế ban hành Chỉ thị tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hoá đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hoá đơn. Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tháng cao điểm phòng, chống các doanh nghiệp mua, bán hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế.

Sáu là, truyền thông sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp trên báo chí, website để tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế, về hoá đơn, công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán hóa đơn đã bị cơ quan Công an khởi tố để cho người dân, doanh nghiệp biết, góp phần cảnh báo, răn đe các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm.

Bảy là, phối hợp chặt chẽ hơn với Cơ quan điều tra để xử lý những doanh nghiệp bán hóa đơn; truy vết xử lý doanh nghiệp mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hoá đơn.

Tám là, rà soát các cá nhân, tổ chức có mua hóa đơn để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế, hợp thức hóa hàng hóa trôi nổi, giảm chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp...để xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra