Vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn dư
Tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 2294/TB-TTCP ngày 27/12/2022 (sau đây gọi tắt là Thông báo 2294), Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao danh mục dự án đầu tư và kế hoạch vốn tiếp tục còn dư cho các Dự án trong đó có 08 dự án chưa đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã giao Sở Giao thông vận tải các tỉnh làm chủ đầu tư 19 dự án nhưng chưa làm rõ năng lực của các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ, năng lực quản lý của Sở Giao thông vận tải các tỉnh trước khi giao nhiệm vụ theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng và Khoản 3, Điều 7, Luật Xây dựng năm 2014.
Lập và phê duyệt dự án không phù hợp, không đúng quy định
Theo Thanh tra Chính phủ, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng giao thông Kon Tum và Sở Giao thông vận tải Kon Tum đã lập, trình để Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường tránh Thành phố Kon Tum theo Quyết định số 608/QĐ-BGTVT ngày 06/3/2017 quy mô đầu tư đường cấp IV không phù hợp, không đúng quy định tại Khoản 5, Điều 18 Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014 dẫn đến phải phê duyệt điều chỉnh quy mô thành đường cấp III. UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến tránh Thành phố Kon Tum không phù hợp mục tiêu đầu tư tuyến đường tránh nhằm khắc phục ùn tắc giao thông cho tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên như Nghị quyết số 99/2015/QH13.
Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tổng mức đầu tư Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc cầu Giẽ, tỉnh Ninh Bình với Quốc lộ 1A không đúng (Thanh tra Bộ Tài chính kết luận tăng 467.521 triệu đồng), dẫn đến giao vốn vượt nhu cầu của Dự án (vốn tồn đọng đến thời điểm thanh tra là 926.579 triệu đồng); phê duyệt Dự án đầu tư mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Tiền Giang trên cơ sở kết quả khảo sát, thiết kế không sát với thực tế, lựa chọn phương án xây dựng các đơn nguyên cầu mới bên cạnh cầu cũ làm thay đổi cục bộ hướng tuyến so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh.
Chỉ định nhà thầu không đúng đối tượng
Cũng theo Thông báo số 2294, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án bằng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đuờng kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ, tỉnh Ninh Bình với Quốc lộ 1A giai đoạn II và Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, thuộc tỉnh Cà Mau giai đoạn II không thuộc đối tượng được chỉ định thầu, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu số 43 ngày 26/11/2013.
Dự án tuyến tránh Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Hồ sơ dự thầu của nhà thầu không nêu rõ xuất xứ vật tư, báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của Chủ đầu tư không đánh giá từng thành viên liên danh thực hiện các gói thầu số 07 và 08, (thi công xây dựng công trình), sai quy định của Hồ sơ mời thầu.
Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1A đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển tỉnh Quảng Nam, Ban Quản lý dự án 5 đánh giá hồ sơ dự thầu đối với Gói thầu số 09 quá 24 ngày, vi phạm Điểm g, Khoản 1 Điều 12 Luật Đấu thầu năm 2013; ký kết hợp đồng thi công xây dựng không quy định về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán là thực hiện không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh và Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi (giai đoạn II), hồ sơ mời thầu (gói thầu xây lắp) không quy định rõ nội dung và nguyên tắc sử dụng chi phí dự phòng làm cơ sở cho nhà thầu chào thầu, vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 5, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/05/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với Gói thầu XL.02, tại hồ sơ mời thầu của Chủ đầu tư yêu cầu về nguồn lực tài chính với nhà thầu hệ số t=2, chưa phù hợp quy định tại Mục 2 Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT: “thông thường hệ số t=3”, làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu nhưng giảm yêu cầu về năng lực tài chính đối với nhà thầu tham gia đấu thầu.
Vốn dư và danh mục các dự án giao thông sử dụng vốn dư được xác định trên cơ sở Tờ trình số 523/TTr-CP ngày 17/10/2015 của Chính phủ và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015; trong đó, giao Chính phủ rà soát quy mô, thiết kế, hiệu quả và phân bố 14.259 tỷ đồng vốn Trái phiếu Chính phủ còn dư cho 22 dự án, số vốn tiếp tục còn dư qua rà soát theo Nghị quyết 99/2015/QH13 là 3.512,874 tỷ đồng giao cho các dự án khác theo quy định của Nghị quyết. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao danh mục dự án và kế hoạch vốn dư thành 03 đợt cho 43 dự án với tổng số vốn theo kế hoạch là 17.771,874 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, tổng số vốn đã giao thực tế cho các dự án là 14.254,948 tỷ đồng/17.771,874 tỷ đồng kế hoạch vốn, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đã nghiệm thu là 13.959,046 tỷ đồng; trong đó, 34/43 dự án đã được các cơ quan thanh tra chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán; do đó Thanh tra Chính phủ chỉ tiến hành thanh tra 07 dự án.
|
(Còn nữa)
K. Dung