Quảng Trị từng bước đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra

Thứ sáu, 29/09/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới đối với ngành thanh tra tỉnh Quảng Trị nhằm phát huy những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2023.

Triển khai 56 cuộc thanh tra hành chính, 108 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành

Được biết, đến thời điểm này, toàn ngành Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã thực hiện cơ bản đúng tiến độ và nội dung Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt.

Cụ thể, về công tác thanh tra hành chính, toàn ngành Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã triển khai 56 cuộc (trong đó có 11 cuộc từ các kỳ trước chuyển sang), có 51 cuộc theo kế hoạch, 05 cuộc đột xuất. Hiện nay, các cơ quan thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra 41 cuộc. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền 3.251 triệu đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực thanh tra tài chính - ngân sách; đã thu hồi về ngân sách nhà nước là 2.889 triệu đồng và xử lý khác về kinh tế là 362 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 Thanh tra tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị tháng 6/2023. Nguồn ảnh: https://thanhtra.quangtri.gov.vn/

Về công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, cơ quan thanh tra các cấp tại Quảng Trị đã triển khai 13 cuộc thanh, kiểm tra đối với 18 đơn vị, hiện đã ban hành kết luận 13 cuộc. Những vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra là chưa thực hiện tiếp công dân định kỳ đầy đủ theo quy định của khoản 5 Điều 13 Luật Tiếp công dân và Quy chế tiếp công dân; Hồ sơ tiếp công dân chưa đảm bảo quy trình, thủ tục quy định tại Thông tư 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Chính phủ; Ban Tiếp công dân tại các địa phương chưa thực hiện đúng nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chưa tổ chức theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn theo quy định của Điều 8 Nghị định 64/2014/NĐ-CP...

Về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Quảng Trị đã thực hiện 108 cuộc (đối với 147 tổ chức được thanh tra, 214 tổ chức được kiểm tra, 184 cá nhân được thanh tra, 777 cá nhân được kiểm tra), đã ban hành 74 kết luận.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy 78 tổ chức và 178 cá nhân vi phạm với số tiền vi phạm là 1.764 triệu đồng. Số tiền kiến nghị thu hồi và đã thu hồi ngân sách nhà nước là 434 triệu đồng. Đã ban hành 222 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 48 tổ chức, 174 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 2.686 triệu đồng.

Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại Quảng Trị là: Sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phân bón không đạt chất lượng như tiêu chuẩn chất lượng đã công bố; không có giày hoặc dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất chế biến thực phẩm; buôn bán thuốc thú y quá hạn sử dụng; buôn bán vacxin thú y nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; không thông báo các thông tin theo qui định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi vào, rời cảng; người làm việc trên tàu không có tên trong sổ Danh bạ thuyền viên...; vi phạm nhãn sản phẩm, kinh doanh hàng thực phẩm quá hạn sử dụng; kinh doanh hàng thực phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; nhãn hàng hóa thiếu thông tin theo quy định; hàng thực phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm không đạt chất lượng...

Có thể nói, tại Quảng Trị, các cuộc thanh tra theo kế hoạch được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của địa phương và chỉ đạo của cấp trên, góp phần ổn định trong quản lý nhà nước tại địa phương. Các Đoàn Thanh tra đã chủ động cập nhật và áp dụng các văn bản mới vào quá trình thanh tra, như văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại Thông tư số 07/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ… Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn; Các kết luận thanh tra sau khi có hiệu lực pháp luật đều được các cơ quan Thanh tra chỉ đạo các đơn vị, tổ chức và cá nhân tổ chức thực hiện nghiêm túc; việc thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Qua công tác thanh tra đã phát hiện một số sai phạm tại các đơn vị, kịp thời thời chấn chỉnh, khắc phục. Lực lượng thanh tra đã được củng cố và kiện toàn, có nhiều kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, nội bộ ngành đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác thanh tra tại địa phương liên quan đến cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu một số máy móc dụng cụ để kiểm tra hiện trường trong quá trình thanh tra, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Trong công tác kiểm tra, xử lý, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra: Chế tài thực hiện kết luận thanh tra chưa đủ mạnh để có thể thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời sau thanh tra đối với việc thực hiện các kết luận; Một số đơn vị chậm triển khai thực hiện các kiến nghị theo kết luận thanh tra hoặc có thực hiện nhưng không đầy đủ, kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về kinh tế mà các đơn vị mắc phải trong giai đoạn hiện nay.

Từng bước đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu quả thanh tra

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị thanh tra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ và nội dung Kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính cấp dưới trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm; qua đó, có những kiến nghị về cơ chế, chính sách, biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, tập trung nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế xã hội của các ngành, các cấp trên các lĩnh vực, chú ý tập trung vào những lĩnh vực có nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm, định hướng thanh tra và tham mưu xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tổng hợp các đề xuất hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của thanh tra các đơn vị sở, ngành, huyện gửi Thanh tra Chính Phủ để được hướng dẫn thực hiện.

Thực hiện tốt thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thanh tra các vụ việc do Chủ tịch UBND tỉnh giao, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Từng bước đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu quả thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đồng thời tăng cường hoạt động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, cần chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất các lĩnh vực mà dư luận quan tâm.

Tổ chức việc khảo sát xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2024, đồng thời hướng dẫn cơ quan thanh tra các đơn vị sở, ngành, huyện thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra