Thực hiện 16 cuộc thanh tra, kiểm tra, thu hồi 2.548.675.818 đồng
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 16 cuộc thanh tra, kiểm tra (bao gồm 10 cuộc chuyển tiếp từ năm 2022 sang), trong đó có 08 cuộc thanh tra hành chính và 08 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã ban hành kết luận thanh tra 04 cuộc. Qua thanh tra, kiểm tra, bên cạnh việc kiến nghị chấn chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, các cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 2.126.802.000 đồng; ban hành 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 435.500.000 đồng. Số tiền xử lý sau thanh tra các đơn vị nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ là 2.548.675.818 đồng.
Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chủ yếu là: Hoạt động thử nghiệm, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp; thanh tra việc chấp hành pháp luật về thủy lợi;...
Hiện nay, 03 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được ban hành kết luận. Các tổ chức, cá nhân vi phạm chủ yếu về các lĩnh vực: Vi phạm quy định trong lĩnh vực thú y, hoạt động thử nghiệm, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, lĩnh vực chăn nuôi. Các cơ quan thanh tra đã ban hành 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 435.500.000 đồng. Trong đó, Thanh tra Bộ ban hành 06 quyết định với số tiền xử phạt là 282,5 triệu đồng; Cục Chăn nuôi ban hành 08 quyết định với số tiền xử phạt là 153 triệu đồng (các cuộc thanh tra thực hiện theo Kế hoạch thanh tra năm 2022).
Liên quan đến công tác xử lý sau thanh tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên ban hành các văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện triệt để các kiến nghị trong kết luận thanh tra cả về xây dựng thể chế, xử lý kinh tế và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Các đơn vị cơ bản đã nghiêm túc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến tồn tại, vi phạm và khắc phục theo kết luận thanh tra. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị thực hiện các nội dung kiến nghị liên quan đến Bộ tại các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, tổng hợp, báo cáo Thanh tra Chính phủ. Số tiền xử lý sau thanh tra các đơn vị nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ là 2.548.675.818 đồng.
Tiếp 15 lượt người, nhận 172 đơn
Liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ và các Cục thuộc Bộ đã tiếp 15 lượt với 46 người được tiếp; trong đó có 03 đoàn đông người với 13 người được tiếp. Đối với các nội dung tiếp công dân thuộc thẩm quyền của Bộ, Thanh tra Bộ và các Cục tiếp nhận, báo cáo và tham mưu Bộ giải quyết theo quy định. Các nội dung khác thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và cơ quan hành chính các cấp, cơ quan khác, Thanh tra Bộ và các Cục thuộc Bộ đã tiếp đón, hướng dẫn, tiếp nhận và chuyển đơn đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định.
Đặc biệt, Thanh tra Bộ và các Cục thuộc Bộ đã tiếp nhận 172 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó cá biệt có 111 đơn do một người đứng tên, 60 đơn do nhiều người đứng tên (riêng Thanh tra Bộ tiếp nhận 152 đơn, các Cục thuộc Bộ tiếp nhận 20 đơn). Thanh tra Bộ tham mưu lãnh đạo Bộ giải quyết các đơn thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng đúng quy định và tích cực chỉ đạo, đôn đốc giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Đối với 44 đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, Thanh tra Bộ và các Cục thuộc Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bộ đã tiến hành xác minh và giải quyết 01 vụ việc khiếu nại lần 2, kết luận nội dung tố cáo đối với 01 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng; thành lập 01 tổ kiểm tra theo nội dung đơn tố cáo (đơn không đủ điều kiện xử lý) do Văn phòng Chính phủ chuyển đến và chỉ đạo biện pháp xử lý; thực hiện xác minh ban đầu đối với 02 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử, các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2023 với chất lượng cao; thực hiện tốt các cuộc thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi được giao; tăng cường nắm bắt thông tin và tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyên ngành, nhất là các vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng. Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng thanh tra tại địa phương và các đơn vị có liên quan. Theo dõi, tổng hợp số liệu về kết quả xử lý sau thanh tra và đôn đốc các đơn vị đã được thanh tra thực hiện Kết luận của Bộ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành khác; kiến nghị Bộ xử lý nghiêm các đơn vị thuộc thẩm quyền không thực hiện nghiêm kết luận thanh tra./.
K. Dung