Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong kinh doanh xăng dầu

Thứ ba, 12/03/2024 10:21
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khi kiểm tra các thương nhân đầu mối Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức, Long Hưng, Dầu khí Đồng Tháp. Các biện pháp xử lý kinh tế; chuyển hồ sơ sang Bộ Công an; sửa đổi, bổ sung quy định về trích lập, khắc phục tình trạng chiếm dụng Quỹ đã được kiến nghị. Bộ Tài chính thông tin về trách nhiệm của bên liên quan thế nào?

Kinh doanh xăng dầu (KDXD) là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Tham gia quản lý nhà nước về xăng dầu có các Bộ Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, UBND cấp tỉnh…

Thương nhân đầu mối KDXD là thương nhân mua xăng dầu trực tiếp từ nhà máy sản xuất, pha chế hoặc nhập khẩu để cung ứng cho hệ thống của mình, bán cho thương nhân KDXD khác và xuất khẩu.

Trao đổi với Tạp chí Thanh tra, Luật sư Hoàng Việt Hùng - Giám đốc Công ty Luật Uplaw cho biết, Luật Giá số 11/2012/QH13 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

Bình ổn giá (BOG) là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành, vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về KDXD quy định, Quỹ BOG xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu BOG bán xăng dầu.

Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý về Quỹ BOG xăng dầu; quy mô Quỹ; kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối KDXD thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng Quỹ.

Đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo

Ngày 13/11/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Kết luận nêu rõ, Luật Giá quy định việc áp dụng biện pháp lập Quỹ BOG là có thời hạn, tuy nhiên, Chính phủ cho áp dụng thường xuyên, liên tục; trong khi, có nhiều cơ quan được giao tham gia quản lý Quỹ (Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công thương phối hợp), việc này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý kịp thời, dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Quỹ BOG.

Bên cạnh đó, từ việc áp dụng biện pháp lập Quỹ BOG thường xuyên, liên tục, chưa theo Luật Giá, cơ quan quản quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối KDXD thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG, việc quản lý Quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ; Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối KDXD khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.


Tại Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để xem xét, xử lý việc sử dụng Quỹ BOG tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà... Ngày 22/01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và các đơn vị có liên quan. Quá trình điều tra bước đầu xác định Trần Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty Hải Hà đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi sai phạm là "Không nộp số tiền trích lập Quỹ BOG vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền Quỹ BOG trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước số tiền trên 317 tỷ đồng.

Những tồn tại trên dẫn đến 7/15 thương nhân đầu mối KDXD đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ số tiền là 7.927.005,2 triệu đồng.

Trong số 7 thương nhân vi phạm có 3 thương nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên (Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà: 4 lần; Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil: 3 lần; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức: 3 lần).

Cùng với Hải Hà, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Long Hưng, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp là 3 thương nhân đầu mối đã trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách, dẫn đến trích lập Quỹ BOG sai với số tiền khoảng 4.793 triệu đồng và chi sử dụng Quỹ BOG sai với số tiền khoảng 22.566 triệu đồng.

Ngoài ra, Xuyên Việt Oil còn trích lập Quỹ BOG thiếu khoảng 3.048 triệu đồng; Thương mại dầu khí Đồng Tháp thực hiện một số bút toán điều chỉnh giảm Quỹ BOG với số tiền 10.275 triệu đồng không phù hợp với nguyên tắc kế toán.

Sau thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công Thương, Tài chính, UBND tỉnh Đồng Tháp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện một số biện pháp xử lý về cơ chế chính sách.

Trong đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ BOG xăng dầu, khắc phục tình trạng các thương nhân đầu mối KDXD chiếm dụng, sử dụng Quỹ sai mục đích; tổng kết, đánh giá hiệu quả sử dụng và sự cần thiết duy trì Quỹ BOG, đồng thời đề xuất giao Bộ Công Thương quản lý, theo dõi Quỹ BOG tập trung.

Bộ Tài chính cũng cần xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong quản lý, chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương quản lý Quỹ BOG, kiểm tra, giám sát khi để các thương nhân này chiếm dụng, sử dụng sai mục đích Quỹ BOG với số tiền lớn trong nhiều kỳ.

Về xử lý kinh tế, Bộ Tài chính cần thanh tra, kiểm tra việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu của các thương nhân đầu mối, trong đó yêu cầu hoàn trả Quỹ toàn bộ số tiền chưa kết chuyển mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, sử dụng sai mục đích số tiền hơn 7.927.005,2 triệu đồng; yêu cầu Xuyên Việt Oil thực hiện trích lập vào Quỹ BOG xăng dầu số tiền khoảng 3.048 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Một cửa hàng xăng dầu của Hải Hà ở Hà Nội đóng cửa sau khi lãnh đạo bị khởi tố. Ảnh: Thái Minh 

Tái phạm nhiều lần sẽ xem xét dừng kinh doanh

Ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về KDXD.

Theo đó, định kỳ trước ngày 15 hằng tháng, thương nhân đầu mối KDXD có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tình hình thực hiện Quỹ BOG xăng dầu của tháng trước liền kề.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng nơi các thương nhân đầu mối KDXD đăng ký mở tài khoản Quỹ BOG xăng dầu thực hiện tuân thủ các quy định liên quan tại Nghị định này.

Chưa rõ việc báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra ra sao nhưng trước sự quan tâm của dư luận, xã hội, ngày 1/3/2024, Bộ Tài chính đã thông tin cho báo chí nội dung các giải pháp quản lý Quỹ BOG xăng dầu.

Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định hiện hành, thương nhân đầu mối KDXD có nghĩa vụ trích lập Quỹ BOG;  hạch  toán  và  theo  dõi  riêng  Quỹ BOG  bằng  tài khoản mở tại ngân hàng; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ BOG.

Bộ cũng nhắc lại một số quy định của Nghị định số 80/2023/NĐ-CP về KDXD như sau:

Một là, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ BOG của doanh nghiệp.

Hai là, tài khoản Quỹ BOG chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Ba là, định kỳ 6 tháng, trước ngày 15/8, ngày 15/2 hằng năm, thương nhân đầu mối KDXD có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về Quỹ BOG gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Bốn là, trong trường hợp thương nhân đầu mối KDXD không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ BOG hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ BOG thì xem xét, xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

Năm là, đối với những thương nhân đầu mối KDXD đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chi sử dụng, kết  chuyển Quỹ BOG hoặc không thực hiện kết chuyển Quỹ BOG theo quy định sẽ xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối KDXD./.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra