Thanh tra Chính phủ tham gia tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án

Thứ sáu, 03/01/2025 08:34
(ThanhtraVietNam) - Bộ Chính trị đã kết luận về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”. Thanh tra Chính phủ tích cực tham gia xây dựng, triển khai Kết luận này.

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ được giao tham gia xây dựng Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” (gọi tắt là Đề án 153).

Bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và theo dõi, đôn đốc việc xử lý sau thanh tra, Cục Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (gọi tắt là Cục V) được Tổng Thanh tra Chính phủ giao làm nòng cốt trong tham mưu, triển khai xây dựng Đề án 153.

Theo đó, Cục V đã phối hợp tốt với các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương trong việc tham mưu xây dựng Kế hoạch của Chính phủ để triển khai thực hiện KL số 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án 153.

Lãnh đạo Cục V đã tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Cá nhân Cục trưởng Cục V đã tham gia Tổ biên tập xây dựng Đề án “Quan điểm, chủ trương xử lý các sai phạm về đất đai xảy ra trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực” của Ban Nội chính Trung ương.

Số liệu kết quả đôn đốc, xử lý sau thanh tra của Thanh tra Chính phủ (tính đến 15/12/2024) cho thấy, Cục V đã thực hiện việc đôn đốc bằng văn bản, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với 40 Kết luận thanh tra, kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã xử lý thu về ngân sách hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, thu hồi được 32,06 ha đất; xử lý khác về kinh tế gần 3 nghìn tỷ đồng và 441.606 USD; căn cứ vào các kết luận, kiến nghị thanh tra, các đơn vị đã thực hiện việc kiểm điểm, xử lý hành chính đối với 356 tập thể, 1.473 cá nhân có liên quan; chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc; đã thực hiện nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách.

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố được kỳ vọng đưa nguồn lực từ các dự án này vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77 ngày 2/5/2024 về Đề án 153.

Căn cứ kế hoạch triển khai thực hiện đã được thông qua, theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 12/9/2024, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận số 77 đã được thành lập.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác với các Tổ phó là Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Các thành viên Tổ công tác gồm: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; các Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ủy ban Pháp luật, Tư pháp, Kinh tế của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng được mời tham gia Tổ công tác.

leftcenterrightdel
Đà Nẵng là địa phương thành lập sớm Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án trên địa bàn. Ảnh: Cổng TTĐT Đà Nẵng 

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ:

Một là, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 05 tỉnh, thành phố nêu trong Đề án 153; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV theo thủ tục rút gọn.

Hai là, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, soạn thảo Nghị định và các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 05 tỉnh, thành phố nêu trong Đề án 153.

Ba là, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn, văn bản cụ thể để xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 05 tỉnh, thành phố nêu trong Đề án 153.

Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý để các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ, hiệu quả, theo đúng Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về Đề án 153.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và địa phương có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu; chỉ đạo đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản hướng dẫn, văn bản cụ thể để xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Long An.

Bên cạnh đó, Tổ công tác sẽ mời lãnh đạo các cơ quan trung ương, UBND 5 tỉnh, thành phố nêu trong Đề án 153 hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan cử cán bộ tham gia.

 Theo Quy chế làm việc, Tổ công tác sẽ tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đánh giá kết quả và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động. Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau, Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Với vai trò là Tổ phó Tổ công tác, Tổng Thanh tra Chính phủ có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng về nhiệm vụ được phân công; chỉ đạo, điều hành các công việc của Tổ công tác theo nhiệm vụ được phân công, ủy quyền; chủ động giải quyết các vấn đề được phân công.

Thành viên Tổ công tác có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp, thực hiện nhiệm vụ được phân công. Trường hợp vắng mặt, thành viên Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo và cử người có trách nhiệm dự họp thay khi được Tổ trưởng Tổ công tác đồng ý./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra