Còn khó khăn trong triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng với nhiều huyện miền núi vùng cao, vùng xa nên công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin diễn biến về sản xuất nông nghiệp, chất lượng vật tư nông nghiệp,... gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp manh mún, số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhiều, nhỏ lẻ, kinh doanh theo mùa vụ. Số lượng người sản xuất nông nghiệp có am hiểu về các quy định của pháp luật còn hạn chế; không quan tâm đến chất lượng vật tư nông nghiệp nên công tác đấu tranh với vi phạm về chất lượng vật tư trên thị trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, không ít cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp còn chống đối, thiếu hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, khi bị phát hiện sai phạm thì đổ lỗi cho nhà sản xuất, không hợp tác để khắc phục hậu quả.
Một số khó khăn khác ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra ngành NN&PTNT Nghệ An là: Nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế kiểm tra, thanh tra, tập huấn. Việc xử lý khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn do điều kiện về kho bãi, trang thiết bị bảo quản tang vật vi phạm. Hình thức phân phối hàng hóa cơ động, hàng hóa được tiếp thị trực tiếp tới các trang trại mà không qua các cửa hàng kinh doanh với giá rẻ đa phần là hàng kém chất lượng ngoài danh mục gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý. Đối tượng thanh tra lợi dụng các thành tựu về khoa học kỹ thuật vào thực hiện hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh; lợi dụng sơ hở của pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện hành vi phạm. Do đó, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó phát hiện và khó xử lý.
|
|
Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là hoạt động thường xuyên của Thanh tra ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Anh |
Nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh tra
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như đã nói ở trên, nhưng tập thể lãnh đạo thanh tra và công chức thanh tra ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã tìm những cách làm phù hợp để vượt qua.
Cụ thể, từ năm 2021 tới nay, Thanh tra ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã tiến hành 12 cuộc thanh tra hành chính tại 12 đơn vị trực thuộc Sở, thu hồi 944 triệu đồng; giải quyết 55 đơn thư, trong đó có 7 đơn tố cáo, 11 đơn khiếu nại, 37 đơn phản ánh; tổ chức 1.776 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với 7.464 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính, thu về ngân sách nước số tiền 11.946 triệu đồng; số tiền thu hồi từ các hình thức khác là 3.631 triệu đồng.
Đặc biệt, Thanh tra Sở NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như: Phòng An ninh kinh tế, phòng Cảnh sát kinh tế, phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh; Cục quản lý thị trường để thực hiện hiệu quả các nội dung thanh tra trong hoạt động đấu tranh với vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An còn phối hợp với Sở Y tế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; Sở Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động đê điều, thủy lợi và lâm nghiệp; các cơ quan báo chí trong hoạt động tuyên truyền và đưa tin; các phòng ban của UBND huyện tại cơ sở được thanh tra.
Ngoài ra, Thanh tra ngành NN&PTNT cũng tích cực tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh giao và mang lại kết quả cao. Năm 2021, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An tham gia 02 đoàn liên ngành của tỉnh, chuyển Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền 117.000.000 đồng. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An tham gia 03 Đoàn liên ngành của tỉnh, thanh tra, kiểm tra 52 cơ sở trong lĩnh vực quản lý. 6 tháng đầu năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An tham gia 01 Đoàn liên ngành của tỉnh, thanh, kiểm tra 12 cơ sở trong lĩnh vực quản lý.
Bốn bài học kinh nghiệm
Qua công tác thanh, kiểm tra, Thanh tra ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, bám sát các văn bản chỉ đạo của bộ, ngành để xây dựng kế hoạch thanh tra cho sát đúng với nhu cầu thực tiễn, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của bộ, ngành, lãnh đạo.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan trong hoạt động thanh tra chuyên ngành (cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường....); phối hợp các tỉnh bạn để học tập kinh nghiệm; tổ chức xây dựng mạng lưới cơ sở nắm bắt trao đổi thông tin.
Thứ ba, tăng cường đào tạo tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho cán bộ thanh tra. Sáng tạo trong xây dựng nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt tập trung vào hình thức thanh toán đột xuất, dành mọi nguồn lực cho hoạt động thanh tra đột xuất.
Thứ tư, tập trung vào các lỗi vi phạm chủ yếu thường gặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra: Vi phạm về điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp; vi phạm kinh doanh giống cây trồng đang quá trình khảo nghiệm, chưa có quyết định lưu hành; vi phạm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; vi phạm về kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng; vi phạm kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y giả, kém chất lượng; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản nằm ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng; vi phạm về quy định trong khai thác hải sản; vi phạm về khai thác lâm sản trái phép..../.
K. Dung