Thủ tướng nhấn mạnh 4 bài học kinh nghiệm tín dụng chính sách xã hội

Thứ sáu, 04/10/2024 10:27
(ThanhtraVietNam) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp ngành đã xác định rõ nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động này là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Ngày 01/10 hằng năm sẽ là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam

Hướng tới một xã hội nơi mà tiếng nói của mỗi công dân đều được ghi nhận và tôn trọng

Chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Theo đó, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) đã xác định rõ nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên.

Ngân hàng CSXH đã không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, sáng tạo phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng hành của hệ thống chính trị, tập trung huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, không ngừng tăng trưởng, rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thiết lập kỷ cương, kỷ luật trong điều hành, tuân thủ quy định trong quản lý, sử dụng nguồn lực, phát huy được vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập điểm giao dịch xã.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục:

Một là, cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý, chưa đảm bảo tính bền vững theo định hướng mục tiêu của Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030.

Hai là, nguồn vốn ủy thác tại một số địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ba là, chính sách tín dụng chưa triệt để, chưa bao trùm hết các đối tượng có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi.

Bốn là, một số chính sách điều chỉnh nâng mức cho vay còn chậm.

Năm là, quy mô tín dụng, đối tượng thụ hưởng còn khiêm tốn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh 4 bài học về triển khai tín dụng chính sách xã hội là:

Thứ nhất, nhân tố quan trọng quyết định thành công là có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Thứ hai, cán bộ tận tâm, trách nhiệm sâu sát, gần dân, sát dân, đồng hành cùng người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện công khai, minh bạch và có sự giám sát của chính quyền cơ sở.

Thứ ba, công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục, kịp thời, đầy đủ tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để biết, để kiểm tra, giám sát từ cơ sở.

Thứ tư, định kỳ, thường xuyên tiến hành các sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị, Kết luận của Đảng để đề ra những mục tiêu, kế hoạch, lộ trình, giải pháp thực hiện có hiệu quả, phù hợp.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt, nhất quán trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP

Tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn chủ trương, quan điểm của Đảng

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan và Ngân hàng CSXH tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về:

(i) Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới;

(ii) Tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030 theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH cần tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy, gần dân, phục vụ người dân.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30 nghìn tỷ đồng để Ngân hàng CSXH cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra