Góc nhìn thanh tra đối với quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp:

Bài 1: Hoàn thiện pháp luật để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn

Thứ ba, 15/03/2022 21:43
(ThanhtraVietNam) - Cùng với sự hoàn thiện khung khổ pháp lý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gồm hai hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ đang thể hiện vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp bên cạnh kênh huy động vốn ngân hàng. Năm 2021, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn theo hình thức phát hành riêng lẻ tăng mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện

Luật Chứng khoán năm 2006 giải thích chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành. Luật này cũng lần đầu quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng; về thị trường giao dịch chứng khoán; về thanh tra chứng khoán…

Ngày 19/5/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành TPDN. Sự ra đời của Nghị định này được đánh giá là mở ra một kênh mới để huy động vốn cho doanh nghiệp, một bước kiện toàn về hệ thống chính sách quản lý, đảm bảo cho hệ thống chính sách toàn diện hơn, hoạt động của các doanh nghiệp được thực hiện công khai, minh bạch hơn.

Năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán lần đầu tiên quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.

Căn cứ Luật Chứng khoán 2010, Luật Doanh nghiệp 2014, Bộ Tài chính - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định về phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ.

Theo đó, đối với phát hành TPDN ra công chúng, doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về điều kiện, hồ sơ phát hành và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép chào bán trái phiếu ra công chúng.

Đối với phát hành TPDN riêng lẻ, Chính phủ lần lượt ban hành các Nghị định 90/2011/NĐ-CP vào năm 2011 và Nghị định 163/2018/NĐ-CP vào năm 2018 về phát hành TPDN.

Giai đoạn 2017 - 2020, thị trường TPDN, đặc biệt là TPDN riêng lẻ tăng trưởng mạnh, do sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh ngân hàng sang phát hành trái phiếu.

Ngày 9/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, chia nhỏ thành nhiều đợt để bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.

Tiếp đó, năm 2020, khung khổ pháp lý về phát hành TPDN được hoàn thiện một bước lớn trên cơ sở Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp 2020.

Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cùng với Luật và Nghị định trên được cấp có thẩm quyền ban hành, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 118/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng; Thông tư 122/2020/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

leftcenterrightdel
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ảnh: HNX

Quy định mới về điều kiện phát hành trái phiếu

Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và do đó điều kiện phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ cũng được quy định theo hướng chặt chẽ hơn từ ngày này.

Theo đó, để chào bán TPDN ra công chúng doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm; có phương án phát hành, sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.

Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Nếu tổng giá trị trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu thì tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm.

Trước khi phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải đăng ký chào bán ra công chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Để phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện như sau:

Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, doanh nghiệp phải thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành; đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán.

Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

Doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải đáp ứng thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

Hồ sơ chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng; chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Đáng chú ý, chỉ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

Như vậy, khung pháp lý về phát hành TPDN được hoàn thiện, đồng bộ từ luật đến các nghị định, thông tư hướng dẫn đã góp phần hoàn thiện thể chế, giúp cơ quan chức năng thêm công cụ quản lý, giám sát; nhà đầu tư được bảo đảm quyền lợi, được giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp; việc huy động vốn của doanh nghiệp được công khai, minh bạch và thị trường TPDN thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng trong bối ảnh tín dụng ngân hàng được điều hành ngày càng thận trọng hơn.

Năm 2021, tổng giá trị TPDN phát hành khoảng 623 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 34% so với năm 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ hơn 583 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ; phát hành ra công chúng hơn 40 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19%.

Tài chính, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành (chiếm 42% tổng giá trị phát hành, tăng hơn 83% so với 2020); bất động sản đứng thứ 2 (chiếm 34,8%, tăng hơn 36% so với cùng kỳ); nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 4,9% và 18,4%, giảm 22% và 6,1% so với cùng kỳ.

Hiện nay, các giao dịch TPDN thứ cấp tại Việt Nam được thực hiện qua các hình thức chính là: niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nền tảng giao dịch của các đơn vị phân phối và thỏa thuận trên thị trường OTC.


Ngô Tân

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra