Bàn về trách nhiệm của các tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ sai phạm của Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt

Thứ hai, 13/03/2023 14:36
(ThanhtraVietNam) - Trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tổ chức trung gian cung cấp các dịch vụ phát hành đóng vai trò quan trọng, đảm bảo thị trường vận hành theo định hướng, chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Mặc dù vậy, mới đây CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa bị phạt 745 triệu đồng vì hàng loạt sai phạm liên quan đến trái phiếu; qua đó cho thấy, các tổ chức này chưa thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình khiến thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trách nhiệm của  tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu

Từ Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, đợt phát hành TPDN bắt buộc phải có tổ chức tư vấn. Theo đó, tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Khi cung cấp dịch vụ, tổ chức tư vấn phát hành có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng quy định về điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định pháp luật.

Đến Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã bổ sung thêm quy định tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm về việc rà soát của mình. Với trách nhiệm rà soát các điều kiện phát hành của tổ chức tư vấn, với các điều kiện phát hành khá thuận lợi cho các DN phát hành, các điều kiện cũng đã được nêu cụ thể tại Điều 9 (đối với DN phát hành 1 đợt) và Điều 10 (đối với DN phát hành và chào bán thành nhiều đợt), 

Về chế độ báo cáo, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) về tình hình tư vấn hồ sơ chào bán TPDN.

Bên cạnh những quy định nêu trên, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định, tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu không được tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành cung cấp thông tin sai sự thật hoặc dễ gây hiểu lầm về trái phiếu tại hồ sơ chào bán; tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát của mình.

Mặc dù khung pháp lý về tổ chức, hoạt động và trách nhiệm của một số tổ chức, trung gian cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN đã được ban hành tại các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán nhưng thời gian qua, chất lượng TPDN trên thị trường chưa cao, thiếu thông tin, thiếu tài sản đảm bảo, liên quan đến việc định giá, đánh giá… gây ra nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư, nguyên nhân một phần là do chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ phát hành TPDN.

TVSI vi phạm hàng loạt quy định liên quan đến trái phiếu

Căn cứ kết quả kiểm tra việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ từ ngày 01/01/2021 đến 05/9/2022, ngày 11/01/2023, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước ban hành Quyết định số 21/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt với tổng số tiền 745 triệu đồng.

leftcenterrightdel
 CTCP chứng khoán Tân Việt bị xử phạt liên quan đến vi phạm phát hành TPDN. Ảnh minh hoạ

Hầu hết ở các vi phạm, Tân Việt đều bị áp dụng mức phạt kịch khung theo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán của nhà chức trách. Trong đó, SSC phạt tiền 300 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 8 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP).

Nguyên nhân xử phạt được công bố do TVSI không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác và có đầy đủ các nội dung theo quy định phải có trong hồ sơ. Cùng với đó, Chứng khoán Tân Việt chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu của một số tổ chức phát hành.

Tiếp đó, TVSI bị phạt tiền 100 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định.

Công ty chứng khoán này còn bị phạt 125 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP do không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán hoặc phát hành riêng lẻ. UBCKNN nêu rõ, TVSI không lưu giữ Báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán hoặc Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 được soát xét của 01 nhà đầu tư tổ chức tham gia mua trái phiếu chào bán riêng lẻ.

Ngoài ra, Chứng khoán Tân Việt còn bị phạt 70 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Theo cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt đã báo cáo SSC không đúng thời hạn Báo cáo định kỳ của tổ chức tư vấn quý IV/2021; báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) không đúng thời hạn các tài liệu.

Doanh nghiệp này cũng không giữ đúng thời hạn khi báo cáo định kỳ quý II/2021 của tổ chức đại lý phát hành; các báo cáo định kỳ quý của tổ chức đăng ký, lưu ký, gồm: Báo cáo tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý I/2021; Báo cáo cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, Báo cáo tình hình đăng ký lưu ký trái phiếu quý II/2021; Báo cáo tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý II/2021; Báo cáo tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý III/2021; Báo cáo cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu, Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, Báo cáo tình hình đăng ký lưu ký trái phiếu, Báo cáo tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý IV/2021).

TVSI còn bị phạt tiền 150 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 26 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 21 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán.

Cụ thể, SSC chỉ rõ, trong giai đoạn từ 01/01/2022 đến 30/8/2022 có nhiều thời điểm tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt vượt quá 70% vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt. Điều này vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.

Được biết, Chứng khoán Tân Việt TVSI cũng là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông – trực thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của doanh nhân Trương Mỹ Lan (đã bị bắt). Nhà chức trách xác định, bà Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018-2019. Câu hỏi đặt ra là các tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu cho Tập đoàn Đầu tư An Đông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Cần quy định cụ thể về cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức trung gian

Các tổ chức trung gian, tổ chức cung cấp các dịch vụ phát hành luôn đóng vai trò quan trọng, đảm bảo thị trường vận hành theo định hướng, chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các tổ chức này chưa thực sự phát huy được vai trò của mình khiến thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro; pháp luật điều chỉnh hoạt động của các tổ chức này vẫn tồn tại không ít khoảng trống, những hạn chế cần nghiên cứu hoàn thiện.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức trung gian cung cấp các dịch vụ phát hành; tuy nhiên, vẫn thiếu những quy định cụ thể về cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị này, đảm bảo họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật. Điều này dẫn đến hệ quả là không ít đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ phát hành TPDN vì lợi nhuận cố tình làm sai, vi phạm mà hàng loạt các đơn vị bị xử phạt trong thời gian qua là một minh chứng rõ nét. Điển hình là việc công ty CP chứng khoán Tân Việt bị xử phạt 745 triệu đồng vì các sai phạm liên quan đến trái phiếu.

Bên cạnh đó, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phạm trong phát hành trái phiếu lên đến 1,5 tỷ đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể chịu hình thức phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề… Thực tế cho thấy, chưa có tổ chức vi phạm nào bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, dẫn đến nhiều tổ chức trung gian, cung cấp dịch vụ phát hành TPDN vì mục tiêu lợi nhuận cố tình làm ngơ, vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy, chế tài xử phạt đối với các tổ chức sai phạm còn yếu và thiếu, chưa đủ sức răn đe.

Mặc dù pháp luật có quy định, trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong thời gian qua gần như chưa có trường hợp  truy cứu trách nhiệm hình sự đơn vị trung gian, tư vấn phát hành dù các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong thương vụ phát hành TPDN của doanh nghiệp phát hành trái phiếu vi phạm đã bị khởi tố.

Do đó, để nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng chế tài hành chính, cần quy định cụ thể về cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức trung gian, bổ sung chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng các biện pháp mạnh tay, xử lý hình sự đối với các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ phát hành TPDN cố tình vi phạm để đủ sức răn đe.

Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng định kỳ đảm bảo các tổ chức này thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật; tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, phát triển thị trường TPDN một cách bền vững./.

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra