Thực hiện đầu tư từ nguồn dự phòng phí bảo hiểm
Với các cổ đông lớn là Bộ Tài chính, Sumitomo Life Insurance và nhiều cổ đông khác, Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với một số thành viên như: Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Ngân hàng Bảo Việt, Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt…
Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt do Tập đoàn Bảo Việt đầu tư 100% vốn điều lệ và được xác định là “1 trong 3 trụ cột của Tập đoàn Bảo Việt, thực hiện các hoạt động đầu tư từ nguồn dự phòng phí bảo hiểm cho các đơn vị thành viên”.
Bảo Việt Fund cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, lập và quản lý quỹ đầu tư, tư vấn đầu tư cho nhiều công ty bảo hiểm lớn, các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu đầu tư tài chính trên thị trường.
Doanh nghiệp này hiện đang quản lý Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF), Quỹ Đầu tư Cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF), Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Năng động Bảo Việt (BVFED) và một số danh mục đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức.
Bảo Việt Fund tự giới thiệu là “nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và chủ động trên thị trường”, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu với quy mô giao dịch hàng năm đạt 25 đến 30 nghìn tỷ đồng.
Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Việt hoạt động theo cơ chế quỹ mở, thực hiện chào bán Chứng chỉ Quỹ ra công chúng; được giám sát bởi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Hà Thành.
Chứng chỉ Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Việt là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp tại Quỹ BVBF, mệnh giá 1 chứng chỉ quỹ là 10.000 đồng. Vốn điều lệ huy động trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng là hơn 76 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, Tập đoàn Bảo Việt đã công bố số liệu lợi nhuận sau thuế của một số thành viên với những con số khá ấn tượng như Bảo Việt Nhân thọ đạt 875 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Việt đạt 215 tỷ đồng, Chứng khoán Bảo Việt đạt 232 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với năm trước).
|
|
Bảo Việt Fund mời nhà đầu tư tham gia Quỹ BVFED. Ảnh chụp màn hình Website |
Cần nghiêm túc đánh giá lại hoạt động đầu tư trái phiếu
Báo cáo hoạt động quản lý Quỹ Đầu tư Trái phiếu của Bảo Việt Fund năm 2021 cho thấy, tại thời điểm 31/12/2021, giá trị tài sản ròng của Quỹ đạt hơn 179,8 tỷ đồng; cơ cấu tài sản Quỹ: danh mục trái phiếu chiếm 60,51% (tăng 6,52% so với năm 2020); tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi thanh toán 35,54% và tài sản khác 3,95%.
Tổng tài sản quản lý của Bảo Việt Fund tại thời điểm 31/12/2021 là hơn 96 nghìn tỷ đồng.
Thông tin về danh mục đầu tư theo ngành, lĩnh vực vào thời điểm 31/12 trong 3 năm gần đây thể hiện, hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ giảm mạnh từ 57,69% (năm 2019) xuống 40,91% (năm 2020) và còn 39,98% (năm 2021).
Ở chiều ngược lại, giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ chỗ 0% vào năm 2019, tăng mạnh lên 13,08% (năm 2020) và đạt 20,53% vào cuối năm 2021.
Đáng chú ý, chỉ tiêu tổng lợi nhuận của Quỹ năm 2021 bất ngờ giảm mạnh tới gần 50% so với năm trước, đứng ở con số hơn 8,2 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2019 và 2020 tổng mức lợi nhuận đều đạt trên 16 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận năm 2021 này thấp hơn lợi nhuận bình quân năm trong thời hạn 3 năm, 5 năm gần đây rất nhiều; thậm chí chỉ bằng 60% bình quân 3 năm 2019, 2020 và 2021 và kéo tụt mức lợi nhuận bình quân 5 năm gần đây xuống còn 10,8 tỷ đồng.
Thuyết minh về việc Quỹ có đạt được mục tiêu đầu tư không, Bảo Việt Fund đã thừa nhận, giá trị tài sản thuần (NAV) cuối năm 2021 là 17.154 VND/CCQ, tăng 4,7% so với cuối năm 2020, thấp hơn benchmark lãi suất tiền gửi 6 tháng của các ngân hàng VCB, BID, CTG, MBB.
Nên nhớ rằng, NAV cuối năm 2020 là 16.384 VND/chứng chỉ quỹ (CCQ), tăng 14,3% so với cuối năm 2019, cao hơn 9,82% so với benchmark lãi suất tiền gửi 6 tháng của các ngân hàng VCB, BID, CTG, MBB.
Mô tả chiến lược, chiến thuật đầu tư mà Quỹ đã sử dụng, Bảo Việt Fund khẳng định Quỹ sẽ “cấu trúc theo hướng đa dạng hóa, kết hợp giữa các tài sản có mức độ rủi ro từ thấp đến cao” và “linh hoạt tận dụng các cơ hội thị trường để gia tăng giá trị”.
Thế nhưng, lợi nhuận sụt giảm tới gần 50%; tăng trưởng NAV/CCQ so với lãi suất cơ bản (benchmark) từ chỗ cao hơn nhiều nay đã giảm mạnh xuống thấp hơn và việc tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh các cơ quan chức năng liên tục phát đi các cảnh báo về rủi ro, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, trái phiếu không có tài sản đảm bảo… sẽ là những vấn đề khiến Bảo Việt Fund phải mổ xẻ, nghiên cứu và tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới để giữ mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư và bảo đảm vị thế “trụ cột” của Tập đoàn Bảo Việt.
Nhà đầu tư đã, đang và sẽ “bỏ đồng vốn” vào các quỹ đầu tư cũng nên nghiêm túc suy nghĩ về khuyến cáo của Bảo Việt Fund như sau: “Thông tin về kết quả hoạt động của quỹ trước đây chỉ mang tính tham khảo và không có nghĩa là việc đầu tư sẽ đảm bảo khả năng sinh lời cho nhà đầu tư”.
Nguyên nhân nào dẫn đến chỉ tiêu tổng lợi nhuận sụt giảm tới 50% và giá chứng chỉ quỹ chỉ tăng có 4,7%, thấp hơn benchmark lãi suất tiền gửi 6 tháng của các ngân hàng: Ngoại thương Việt Nam (VCB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), Công thương Việt Nam (CTG), Quân đội (MBB), thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 14,3% năm 2020?
Trước thực trạng này, Bảo Việt Fund cần giải pháp gì để thực hiện đúng như lời mời gọi các nhà đầu tư rằng đầu tư vào Quỹ BVBF sẽ đem lại khả năng “lợi nhuận vượt trội so với tiền gửi”?
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, liệu Bảo Việt Fund có tiếp tục tăng tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào?
Báo cáo tài chính giữa niên độ cho giai đoạn tài chính 3 tháng kết thúc ngày 31/3/2022 của Bảo Việt Fund thể hiện chỉ tiêu trái phiếu doanh nghiệp bị giảm giá là 779.982.016.502 đồng (ngày 31/12/2020, 31/12/2021 cũng thể hiện con số 779.982.016.502 đồng). Vì sao chỉ tiêu trái phiếu doanh nghiệp bị giảm giá tại báo cáo tài chính của Bảo Việt Fund lên đến gần 780 tỷ đồng, khoản này có được được trích dự phòng không, nếu không thì lý do là gì khi trên báo cáo tài chính không thể hiện?
|