Cần minh bạch việc huy động vốn, quản lý, sử dụng vốn và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp phát hành

Thứ hai, 06/06/2022 15:50
(ThanhtraVietNam) - Một mặt tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; thúc đẩy dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, từ đó, nâng cao chất lượng các trái phiếu được chào bán, phát hành và bổ sung công cụ cho nhà đầu tư đánh giá rủi ro trước khi mua trái phiếu…

Doanh nghiệp bất động sản trong nhóm dẫn đầu về phát hành trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, năm 2021 ghi dấu mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt kỷ lục 639.766 tỷ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới gần 95%, tương đương 605.520 tỷ đồng, tăng tương ứng 39% so với năm liền trước.

Nhiều năm gần đây, nhóm doanh nghiệp bất động sản thường xuyên so kè thứ hạng nhất nhì với nhóm ngân hàng trong phát hành trái phiếu với giá trị lớn. Riêng năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty bất động sản phát hành lên tới hơn 212.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tính riêng tổng khối lượng trái phiếu phát hành của top 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất đạt trên 100.054 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành.

Quý 1 năm 2022, khối lượng phát hành riêng lẻ vẫn tích cực, đạt 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty bất động sản phát hành trong quý 1 cũng đạt hơn 47.000 tỷ đồng.

Mới đây, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thông báo hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm mạnh tới 33% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng khối lượng phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản quay đầu đảo chiều giảm sâu, chỉ còn chiếm tỷ trọng 11,6%.

Bộ Tài chính cho rằng, việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ khối lượng phát hành lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đáng báo động. Điều này gây nên tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ. Trong đó, có 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

Có doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm vừa qua lên tới 9.650 tỷ đồng với lãi suất 10,7%/năm. Doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu hơn 14.032 tỷ đồng; tỷ lệ trái phiếu phát hành trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp địa ốc này vào khoảng 68,8%.

Trước đây, theo quy định tại Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp bất động sản trong nhóm dẫn đầu về phát hành trái phiếu. Ảnh: Internet

Còn rủi ro tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Sau đó Nghị định 153/2020/NĐ-CP ra đời, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ban hành ngày 31/12/2020, quy định trên đã được gỡ bỏ. Thay vào đó, Nghị định 153 quy định kỳ hạn và khối lượng trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Chuyên gia tài chính cho rằng, nhiều quốc gia quy định rất rõ ràng về tỷ lệ cụ thể vốn vay (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp) trên vốn tự có, như tại Canada tỷ lệ này 2:1, Trung Quốc 2:1 với doanh nghiệp thông thường. Bởi doanh nghiệp với khả năng quản lý có giới hạn nhưng huy động lượng vốn quá lớn thì khó lòng quản lý, sử dụng hiệu quả và khả năng trả nợ cũng kém.

Cùng với đó, hàng loạt rủi ro tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng được Bộ Tài chính bóc trần như hiện tượng nhà đầu tư cá nhân không chuyên "lách" quy định của pháp luật để mua trái phiếu riêng lẻ; doanh nghiệp phát hành yếu kém có khối lượng phát hành lớn; một số tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu vì lợi ích trước mắt xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp mà không cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư.

Để lập lại trật tự thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, trong năm 2021, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK triển khai các đoàn kiểm tra tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp và một số doanh nghiệp bất động sản.

Theo đó, UBCK tổ chức đoàn kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp bất động sản. Apec Group phải nộp phạt 600 triệu đồng do thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCK theo quy định, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi.

Đáng chú ý, UBCK đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 tổ chức phát hành trái phiếu, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group và 1 tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần chứng khoán Quốc tế Việt Nam.

Đồng thời, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, UBCK ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Minh bạch để thị trường phát triển. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Giảm nhiệt nhưng không cản trở sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính khẳng định, năm 2022, khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau Covid-19, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ tăng cường huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng.

Tuy vậy, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, không bền vững sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong năm 2022, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khung khổ pháp lý để khắc phục các tồn tại trong thời gian qua, tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững.

Bên cạnh việc ban hành Thông tư, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ...

Cũng theo Bộ Tài chính, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu huy động vốn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp, vừa thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trái phiếu dự án để thúc đẩy thị trường vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp trong quản lý, giám sát thị trường, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các bộ, ngành trong quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định và công bố rộng rãi các đối tượng và hành vi vi phạm./.
Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra