Công ty cổ phần CMC: Tổng nợ hơn 2 lần vốn chủ sở hữu sau M&A

Thứ hai, 16/05/2022 09:31
(ThanhtraVietNam) - Năm 2021, CTCP CMC (mã CK: CVT) lợi nhuận kinh doanh sụt giảm, dòng tiền thuần bị âm. Tuy nhiên, đầu năm 2022, Công ty vẫn tiếp tục huy động 500 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu riêng lẻ, qua đó đẩy tổng nợ của doanh nghiệp tăng vọt lên hơn 2000 tỷ đồng.

Lợi nhuận sụt giảm, dòng tiền thuần đầu tư âm

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần CMC (mã CVT) có hai nhóm sản phẩm chính là gạch ceramic và gạch granite, gồm các loại gạch lát nền, gạch ốp tường, gạch chân tường, gạch viền trang trí. Cuối tháng 3/2021, Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) công bố đã trở thành cổ đông lớn của CVT khi nắm giữ gần 52% vốn. Dù vậy, kết quả kinh doanh tại CVT vẫn không mấy khả quan.

Năm 2021, CVT chỉ thu về 1.519 tỷ đồng doanh thu và vỏn vẹn 94 tỷ đồng lợi nhuận (giảm 22% so với cùng kỳ 2020 là 120 tỷ đồng). Đây cũng là năm kinh doanh đạt lợi nhuận thấp nhất trong giai đoạn những năm gần đây của CVT. Ngoài lợi nhuận giảm, dòng tiền tại CVT cũng đang bị hao hụt một lượng không hề nhỏ, Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2021 cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư đang âm hơn 1.192 tỷ đồng.

Trong BCTC của doanh nghiệp, phần báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể được coi là quan trọng nhất, vì nó chỉ ra được tiền đi đâu về đâu. Nếu dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (dòng tiền kinh doanh) có chiều hướng sụt giảm mạnh, thậm chí là âm sẽ khiến những nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Phản ánh rõ doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc khó thu hồi tiền…

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của CMC là 2.427 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm tới 68% hơn 1.662 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn tăng đột biến lên gần 1.000 tỷ so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là 1.650 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2020 và cũng gấp 2,1 lần so với vốn chủ sở hữu khoảng 777 tỷ đồng. Điều này cho thấy nguồn vốn của CVT chủ yếu tập trung ở các khoản vay nợ ngắn hạn và vay nợ dài hạn. Tính riêng khoản phát hành trái phiếu, năm 2021, CTCP CMC cũng đã huy động thành công 700 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 42,1 triệu cổ phiếu của các cổ đông tại Công ty cổ phần bất động sản du lịch Ninh Vân Bay.

leftcenterrightdel
Tổng nợ của CTCP CMC gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu sau đợt phát hành trái phiếu đầu năm 2022. Nguồn: báo cáo kết quả phát hành trái phiếu của CTCP CMC

Tổng nợ vay gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu

Trong giai đoạn 2019 - 2020, CVT duy trì khoản vay ngắn hạn và dài hạn vào khoảng 250 - 350 tỷ đồng phục vụ cho việc bổ sung vốn lưu động và vay đầu tư mở rộng nhà máy CMC 2. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, dư nợ vay vốn tăng vọt gần 4 lần so với cuối năm 2020, cụ thể vay ngắn hạn tăng từ 318 tỷ đồng lên 593 tỷ đồng, vay dài hạn tăng từ 36 tỷ đồng lên 729 tỷ đồng. Đáng chú ý là, khoản tăng vay dài hạn chủ yếu đến từ việc CVT phát hành riêng lẻ 700 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất từ 10% - 10,6%, kỳ hạn 1 - 5 năm. Tài sản đảm bảo của các khoản vay này là 9,3 triệu cổ phiếu CVT thuộc sở hữu cá nhân và 42,1 triệu cổ phiếu Ninh Vân Bay (NVT), 1 công ty trong mạng lưới của DNP.

Quay trở lại với kết quả kinh doanh CVT, mặc dù doanh thu 2021 tăng 10% từ mức thấp của năm 2020, song lợi nhuận sụt giảm 22% xuống còn 94 tỷ đồng do gánh nặng chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay từ 17 tỷ đồng năm 2020 đã phình lên 51 tỷ đồng năm 2021, tuy nhiên vẫn chưa phản ánh hết áp lực lãi vay vì việc phát hành trái phiếu riêng lẻ vẫn tiếp tục diễn ra. Khi vốn vay tăng, các chỉ số sinh lời của CVT cũng đang thấp hơn ( ROAA: 4.93; ROCE: 14.79; ROEA: 12.22) so với các năm trước.

Tuy nhiên, chưa dừng lại đó CVT lại tiếp tục huy động 500 tỷ đồng phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm 2022 với lãi suất từ 10% - 10,6%, kỳ hạn 2-4 năm. Tài sản đảm bảo lần này lại là 11,7 triệu cổ phiếu CVT thuộc sở hữu của DNP và các cá nhân. Kết quả tổng nợ vay tăng vọt lên 2.153 tỷ đồng, gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Hiện 2 cổ phiếu là tài sản đảm bảo này đều được giao dịch với thanh khoản khá thấp trên thị trường, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của NVT là 57.430 cổ phiếu; của CVT là 1.810 cổ phiếu. Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến những phiên giảm mạnh, giá cổ phiểu của NVT đã sụt giảm sâu tới 50% so với giá tại đỉnh (32,400 đồng). Với mức thanh khoản thấp, và sự biến động mạnh của giá cổ phiếu, liệu đây có phải là tài sản thực sự đảm bảo cho các trái chủ?

leftcenterrightdel
Diễn biến giá cổ phiếu NVT trong thời gian gần đây. Ảnh: Vietstock.vn 

Bên cạnh đó, CVT sẽ làm gì để trả hết khoản nợ gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu này, trong bối cảnh lợi nhuận công ty đang giảm dần theo từng năm, còn mảng bất động sản vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng? Nhẩm tính năm 2022, CVT sẽ phải chi ước chừng hơn 200 tỷ trả lãi vay, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chỉ khoảng 150 - 200 tỷ đồng trong vài năm gần đây.

Để phát triển thị trường TPDN theo hướng an toàn và nâng cao chất lượng, sự minh bạch. Thiết nghĩ, rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, việc sử dụng vốn huy động được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường. Cùng với đó, rất cần một cơ quan chức năng đánh giá, giám sát "sức khỏe" doanh nghiệp phát hành trước và sau khi phát hành trái phiếu để Nhà nước có thể giám sát đảm bảo an toàn thị trường TPDN trước khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc, cũng như là một kênh để nhà đầu tư có thể tham khảo khi đưa ra quyết định đầu tư. Qua đó, đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp, cũng như đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư.

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra