Đồng bộ hệ thống văn bản pháp lí để tạo môi trường cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, an toàn

Thứ hai, 06/03/2023 14:06
(ThanhtraVietNam) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng để thu hút, kêu gọi vốn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ nhất quán quan điểm tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Do đó, để ổn định và phát triển, các chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ quy định pháp luật, hạn chế nhà đầu tư nhỏ lẻ không đủ năng lực tham gia thị trường…

Cốt lõi nằm ở vấn đề minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành

Theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây thì thấy thị trường này đã có bước tiến lớn về quy mô. Cụ thể, tổng giá trị phát hành đã tăng từ 225,8 nghìn tỉ đồng năm 2018 lên 296,7 nghìn tỉ đồng năm 2019, 403,5 nghìn tỉ đồng năm 2020 và 726,2 nghìn tỉ đồng năm 2021. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2021 tương đương 18,2% GDP, so với cuối năm 2020 là 17,11% GDP. Trong đó quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm phần lớn, đạt 16,84% GDP, tăng 40,5% so với năm 2020.

Hai chủ thể chính phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Năm 2021, một năm bùng nổ khi doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 42,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Đến hết tháng 10/2022 dư nợ trái phiếu đang lưu hành vào khoảng 1.362 nghìn tỉ đồng, trong đó dư nợ do các tổ chức tín dụng phát hành khoảng 602,5 nghìn tỉ đồng, do các doanh nghiệp bất động sản phát hành khoảng 452,4 nghìn tỉ đồng.

Trong giai đoạn này, lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 là 7,94%/năm, giảm 1,4%/năm so với năm 2020, thấp hơn 1% - 2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng. Một điểm nổi bật khác, trong khi trái phiếu do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành phần lớn là không có tài sản bảo đảm thì các trái phiếu do các doanh nghiệp khác phát hành thường sử dụng bất động sản, các chương trình, dự án, cổ phiếu để làm tài sản bảo đảm với tỉ trọng khoảng 88,2%.

Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường sơ cấp chủ yếu là các tổ chức tín dụng với lượng mua chiếm 46,14%, công ty chứng khoán mua 22,43%, các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP tuy đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, huy động vốn cho các mục đích sản xuất, kinh doanh nhưng những vấn đề về minh bạch thông tin đã khiến cho nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực vẫn được phát hành trái phiếu doanh nghiệp và gây ra rủi ro lớn cho nhà đầu tư nói riêng và thị trường tài chính nói chung.

Trong điều kiện thị trường hiện nay, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp chưa được niêm yết, phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư khó nắm bắt thông tin, khả năng thanh khoản thấp, giao dịch trên thị trường thứ cấp rất hạn chế. Mặt khác, tại Việt Nam chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn, có uy tín hoạt động, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán còn những bất cập về chất lượng hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh chung là thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Các chuyên gia tài chính cho biết, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2025 là rất lớn. Trong số 1.362 nghìn tỉ đồng đang lưu hành thì có tới 841,5 nghìn tỉ đồng sẽ đáo hạn từ nay đến cuối năm 2025. Riêng lĩnh vực trái phiếu bất động sản, lượng trái phiếu đáo hạn lên tới gần 350 nghìn tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào các năm 2023 (138,2 nghìn tỉ đồng) và năm 2024 (125,8 nghìn tỉ đồng) sau một giai đoạn mà kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu cho doanh nghiệp bất động sản được đánh giá là tăng trưởng “nóng”.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bảo vệ doanh nghiệp chân chính, xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình sai phạm

Trong khi đó, hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2022 đổi chiều so với năm 2021 khi lượng trái phiếu phát hành tới cuối tháng 11/2022 chỉ là 252,2 nghìn tỉ đồng với 73,9 nghìn tỉ đồng thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn khi lũy kế 11 tháng đã mua lại 164 nghìn tỉ đồng.

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của một số doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2022 do chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro thanh khoản cho thị trường tài chính.

Gần đây, các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lí các vi phạm trên thị trường và sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã có những tác động nhiều chiều tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng cần thời gian để nhận định và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với diễn biến thị trường và các quy định pháp luật mới.

Cũng theo các chuyên gia tài chính, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, trước hết chúng ta cần nhìn nhận đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của nền kinh tế. Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tài chính tiềm năng, là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sẽ góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm tài chính tránh phụ thuộc thái quá vào vốn tín dụng như hiện nay.

Tiếp đó, cần hoàn thiện khung pháp lí và nâng cao năng lực quản lí, giám sát thông qua việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019, khắc phục những bất cập phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và xây dựng cơ chế phù hợp, bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng theo hướng đầu tư mang tính bền vững; tiếp tục tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới thông lệ quốc tế trên khía cạnh mô hình hoạt động, chế độ kế toán… đi cùng với tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho thị trường trên cơ sở cần có quy định bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu cần phải được xếp hạng tín nhiệm.

Một điểm quan trọng nữa, chính là tăng cường năng lực quản lí, giám sát và cưỡng chế thực thi như bổ sung quy định cho phép cơ quan quản lí thị trường có đủ thẩm quyền, công cụ và nguồn lực để thực thi các chức năng giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi theo thông lệ quốc tế. Cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lí vi phạm nhằm bảo đảm thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và tạo dựng niềm tin của thị trường./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra