Thanh tra, giám sát ngân hàng:

Giám sát hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản

Thứ ba, 21/02/2023 14:50
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng là một trong những giải pháp để Ngân hàng Nhà nước hoàn thành mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong định hướng điều hành năm 2022 là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giám sát hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh chứng khoán, bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ là phương hướng năm 2023.

Dồn lực vào đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao

Sau khi xảy ra vụ án của các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), NHNN đã báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt để kiểm soát chặt chẽ, toàn diện, ổn định hoạt động của ngân hàng này và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến hệ thống các TCTD; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai giải pháp ổn định tâm lý người gửi tiền, xử lý tình trạng rút tiền hàng loạt, hỗ trợ thanh khoản, ổn định hoạt động, rà soát toàn diện thực trạng của SCB để xây dựng phương án cơ cấu.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, năm 2022, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng đã đạt được mục tiêu đặt ra, đó là góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực nguồn vốn tín dụng cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19.

Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng đã nhận diện sâu sắc những khó khăn tích tụ qua nhiều năm từ nền kinh tế cũng như nội tại của hệ thống để tập trung nguồn lực xử lý từng bước; nhờ đó, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ bản an toàn, thanh khoản hệ thống được bảo đảm; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống TCTD từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Với mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong định hướng điều hành là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát những biến động của tình hình thế giới, trong nước để điều chỉnh chính sách góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong số các giải pháp đã thực hiện có vai trò của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.

Phó Thống đốc đánh giá, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng trong năm 2022 tiếp tục được tăng cường.

Với hơn 900 cuộc thanh tra, kiểm tra, công tác này đã tập trung nguồn lực vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm; công tác giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD, nhất là tập trung vào các vấn đề như hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn; cấp tín dụng đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân, tập đoàn bất động sản lớn và người có liên quan; cấp tín dụng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán, tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đầu tư và cung ứng dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp,...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đối với các đơn vị có tăng trưởng mạnh về quy mô, tăng trưởng tín dụng nóng.

Ngoài ra, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt.

Đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, yêu cầu các TCTD thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính và hoạt động, đồng thời nhận định những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế cần xử lý, xây dựng các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện đảm bảo phù hợp với Đề án.

Xử lý nợ xấu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong năm qua, trong đó NHNN đã tăng cường giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01, đảm bảo lộ trình trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; chấn chỉnh các TCTD trong việc chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng nhằm ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD được kiểm soát ở mức an toàn.

leftcenterrightdel
NHNN nhận định một số TCTD chạy theo lợi nhuận thiếu an toàn, tăng trưởng nóng, đầu tư, cho vay vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; mức độ tập trung tín dụng đối với một số nhóm khách hàng lớn còn ở mức cao . Ảnh: Ngô Tân

Giám sát ngân hàng tập trung tín dụng vào “sân sau”

Cùng với những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các TCTD, Phó Thống đốc NHNN cũng thẳng thắn cho rằng, công tác thanh tra, giám sát mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Một số vấn đề về cơ chế quản lý điều hành, cơ chế phối hợp trong Ngành và các cơ quan chức năng khác chậm được rà soát, đổi mới; chất lượng nguồn nhân lực ở một số bộ phận đơn vị chưa được nâng cao; tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo công tác thanh tra, giám sát trong toàn hệ thống chậm được củng cố, kiện toàn; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, giám sát chậm được đổi mới và còn hạn chế.

Về phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2023, lãnh đạo NHNN yêu cầu Ngành theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo TCTD tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ…

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô.

Tập trung giám sát hoạt động cấp tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như kinh doanh chứng khoán, bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; các TCTD có mức độ tập trung tín dụng vào một khách hàng / nhóm khách hàng lớn, doanh nghiệp có liên quan trong tập đoàn hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau; hoạt động kinh doanh vàng, mua bán ngoại tệ, thu đổi ngoại tệ, thanh toán và chuyển tiền ra nước ngoài; hoạt động kinh doanh bảo hiểm của TCTD...

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra