Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp tăng thanh khoản

Thứ năm, 20/07/2023 12:09
(ThanhtraVietNam) - Việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường; giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin để đưa ra chính sách quản lý, phát triển thị trường và quyết định đầu tư phù hợp hơn. Vietcombank được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận làm ngân hàng thanh toán cho các giao dịch trái phiếu đăng ký trên hệ thống này.

Thanh tra chứng khoán giúp thị trường minh bạch hơn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Tôn trọng thỏa thuận của các bên tham gia thị trường

Triển khai các giải pháp nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), hướng đến một thị trường phát triển bền vững, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Trung tâm Lưu ký chứng khoán triển khai xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống quy chế, quy định, chuẩn bị hạ tầng công nghệ, xây dựng hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán giao dịch TPDN riêng lẻ theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính tổ chức lễ khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành; ngân hàng chỉ định thanh toán (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank); các thành viên thị trường, tổ chức phát hành trái phiếu…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào vận hành là rất cần thiết; hệ thống đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn.

Với quan điểm cơ quan quản lý tôn trọng thỏa thuận của các bên tham gia thị trường TPDN, Nhà nước chỉ tham gia với vai trò tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tổ chức thị trường để hỗ trợ các bên thực hiện đúng các cam kết của mình.

Việc phát triển thị trường TPDN riêng lẻ lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch, bền vững góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự buổi lễ đã thực hiện nghi thức khai trương hệ thống giao dịch và phiên giao dịch đầu tiên của thị trường TPDN riêng lẻ. Ảnh: VCB

Cam kết xây dựng thị trường bền vững, an toàn, minh bạch, hiệu quả

Nói về trách nhiệm xây dựng thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cam kết sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ ngành, địa phương, chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán và các thành viên thị trường.

Đồng thời, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng cải cách, đổi mới, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và thị trường TPDN riêng lẻ nói riêng phát triển bền vững, an toàn, minh bạch và hiệu quả, ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Hệ thống hiện hỗ trợ lệnh thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường. Đối với lệnh điện tử, thành viên có thể lựa chọn gửi lệnh chào đến một số thành viên nhất định hoặc gửi lệnh đến tất cả các thành viên của thị trường. Chỉ các thành viên nhận được lệnh chào mới có thể xác nhận lệnh. Hệ thống cho phép trao đổi thông tin giao dịch, thông tin lưu ký với hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Đại diện đơn vị được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận làm ngân hàng thanh toán cho các giao dịch trên hệ thống, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho biết, Vietcombank đã chủ động xây dựng hệ thống ngân hàng thanh toán chuyên biệt dành cho thị trường (VCB C-Bond) trên cơ sở các chuẩn mực thanh toán tiên tiến nhất, đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

VCB C-Bond đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời, theo từng giao dịch, trong ngày (T+0); thông tin mua bán trái phiếu được cập nhật theo thời gian thực tới từng nhà đầu tư. Đây là yếu tố mới, vượt trội tạo điều kiện cho dòng vốn của nhà đầu tư được luân chuyển nhanh, các thông tin giao dịch được quản lý, cập nhật kịp thời, minh bạch, hiệu quả.

Được biết, ngoài tư cách là ngân hàng thanh toán, Vietcombank sẽ tích cực tham gia thị trường với các vai trò là tổ chức phát hành, thành viên lưu ký và thành viên giao dịch.

Tăng cường kiểm soát, xử lý việc đưa tin không chính thống

Trước đó, để chuẩn bị và đưa thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ vào vận hành, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện khung pháp lý trình Bộ ban hành Thông tư 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 về việc hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước.

Trên cơ sở Thông tư này, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã ban hành Quy chế thành viên giao dịch TPDN riêng lẻ và Quy chế đăng ký và giao dịch TPDN riêng lẻ; Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã ban hành Quy chế hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán giao dịch TPDN riêng lẻ; Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ban hành các quy trình nghiệp vụ vận hành và quản trị hệ thống.

Để tiếp tục phát triển thị trường phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao Uỷ ban Chứng khoán và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách; tổ chức thị trường hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; tiến hành cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy hoạt động của các định chế trung gian và dịch vụ thị trường.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường; tăng cường kiểm soát, xử lý việc đưa tin không chính thống, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường…/.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra