Tăng cường giám sát thị trường TPDN
Thị trường TPDN thời gian qua đã có bước phát triển nhanh và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu. Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh của thị trường đã phát sinh những rủi ro cho các bên tham gia. Bởi vậy, ngày 01/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký ban hành công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường TPDN. Qua đó, cần điều chỉnh quy định của pháp luật để phù hợp với thực tiễn, đồng thời khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh trên thị trường TPDN.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường bền vững đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới.
Từ những tiêu cực trên thị trường TPDN gần đây cho thấy rất cần một hành lang pháp lý đủ mạnh để ổn định, ngăn chặn và kiểm soát tốt rủi ro từ TPDN. Qua đó, tạo động lực để công cụ nợ này phát triển minh bạch và bền vững.
Minh bạch thông tin và bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư
Liên quan đến những rủi ro chính khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, rủi ro đối tác được đánh giá là rủi ro đầu tiên và cũng lớn nhất. Thực tế, ở Việt Nam, việc phân tích những thông tin về TPDN này đang rất hạn chế. Những công ty xếp hạng tín nhiệm chỉ xếp hạng trái phiếu phát hành ra công chúng còn những công ty phát hành riêng lẻ thì không bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm. Bên cạnh đó, đối với nhà đầu tư, dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, các phân tích đánh giá rủi ro của đơn vị xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư có cơ sở để so sánh tương đối lãi suất và mức độ rủi ro liên quan đến các công cụ nợ do các doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc các ngành nghề khác nhau phát hành. Xếp hạng tín nhiệm là cầu nối để giúp doanh nghiệp có thêm thông tin, góc nhìn sâu sát hơn về chi phí vốn huy động, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về lãi suất và rủi ro đi kèm từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, giúp thị trường vốn vận hành trơn tru và hiệu quả.
|
|
Minh bạch thông tin và bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu (Ảnh: Internet) |
Thực tế, ở góc độ rủi ro về thị trường thì biến động của giá trái phiếu không nhiều. Nhưng trái phiếu lại có rủi ro về thanh khoản, việc mua đi bán lại có gặp khó. Hiện nay, thanh khoản đang phụ thuộc hoàn toàn vào việc bên phân phối có mua lại trái phiếu cho nhà đầu tư hay không, mà không phải là nhu cầu bán lại của nhà đầu tư.
Ngoài ra, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có xu hướng nhiều nhà đầu tư cá nhân trực tiếp đầu tư trong khi họ thiếu kiến thức và thông tin về tất cả các sản phẩm tài chính; thiếu thông tin và bị hạn chế trong phân tích doanh nghiệp. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, rất cần các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp đồng bộ từ công cụ pháp lý đến phát triển các công cụ thị trường như xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán, thẩm định giá… để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần chú trọng tạo ra văn hóa, thói quen, thông lệ xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, Nghị định 153 không quy định về người/tổ chức đại diện theo pháp luật của trái chủ. Do vậy, nếu các công ty phát hành trái phiếu sụp đổ, vỡ nợ hay khi nhà đầu tư bị lừa, bị chiếm dụng vốn, thì không ít rủi ro có thể xảy ra. Do vậy, mô hình quỹ và công ty bảo vệ nhà đầu tư đã hoạt động rất thành công ở các thị trường chứng khoán như: Mỹ, Hồng Công, Đài Loan... rất cần được chọn lọc, tham khảo.
Theo các chuyên gia, cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, và cơ chế đó được xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản là: Có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành quỹ đền bù, bảo vệ nhà đầu tư; có cơ quan đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ; có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể. Qua đó, một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết. Các công ty, tổ chức, hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư trong cơ chế này là tổ chức xã hội hoặc thuộc Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận và có nguồn quỹ để bảo vệ nhà đầu tư.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nhưng nhiều rủi ro do nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu riêng lẻ. Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối. Hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản, phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Kinh nghiệm quốc tế trong giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay, chất lượng TPDN vẫn chưa cao, rủi ro còn khá lớn. Nguyên nhân do thiếu thông tin, thiếu tài sản đảm bảo, liên quan đến việc định giá, đánh giá cũng đặt ra thách thức với cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến giám sát thị trường TPDN để tăng hiệu quả thu hút vốn cũng như giảm thiểu rủi ro. Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khuôn khổ pháp lý đến tổ chức thị trường, phát triển cơ sở nhà đầu tư, phát triển sản phẩm hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường và các định chế tài chính trung gian. Thị trường TPDN chỉ được vận hành và phát triển tốt khi kinh tế vĩ mô ổn định, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp ổn định và có xu hướng tăng, tỷ lệ tích lũy, tiết kiệm trong nền kinh tế ở mức khá. Hoạt động của thị trường TPDN có sự liên thông với các cấu phần khác của thị trường tài chính như thị trường cổ phiếu, thị trường tín dụng ngân hàng, đặc biệt là thị trường tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng hoạt động của các tổ chức tài chính trung gian như: Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Trong đó, hình thành và thiết lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là một trong những tiền đề quan trọng đối với phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã tích cực phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức để tạo cầu đầu tư bền vững trên thị trường. Nhà đầu tư trên thị trường TPDN hầu hết là nhà đầu tư có tổ chức như: Công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán. Đây là những tổ chức có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm về đầu tư. Đồng thời, hình thành Trung tâm thông tin tập trung về phát hành TPDN. Hình thức giao dịch TPDN phổ biến trên thế giới là giao dịch thỏa thuận. Tuy nhiên, dù cho hệ thống giao dịch trái phiếu được tổ chức dưới hình thức nào thì đều cần phải có một trung tâm thông tin tập trung về phát hành TPDN. Điều này vừa giúp cho doanh nghiệp phát hành hiệu quả, vừa giúp cho các nhà đầu tư tư có đầy đủ thông tin để tham gia thị trường TPDN.
Điển hình, tại Hàn Quốc, từ năm 1999 quốc gia này thành lập ba tổ chức định hạng trái phiếu có chức năng định hạn trái phiếu và cung cấp dịch vụ thông tin về giá trái phiếu, làm cho thị trường TPDN minh bạch hơn và thị trường thứ cấp hiệu quả hơn. Năm 2000, nước này đã ban hành nhiều chính sách tập trung vào cơ cấu lại thị trường bao gồm hợp lý hóa quy trình phát hành trái phiếu, mở rộng vai trò của các trung gian tài chính trong giao dịch trái phiếu, cải thiện cấu trúc phát hành và giao dịch trái phiếu, cho phép thành lập hệ thống môi giới và các công ty môi giới trái phiếu giới thiệu các giao dịch hợp đồng mua lại. Đến năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc ban hành luật về các dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn, quy định phạm vi hoạt động liên quan đến thông tin công bố của tổ chức phát hành, quy định về định hạng tín nhiệm, quy định quy trình, về thủ tục cấp phép hướng dẫn đăng ký thông tin, công bố định kỳ giấy phép đầu tư quy định về thuế, quy định về xử lý vi phạm của tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Còn tại Thái Lan, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, tất cả các giao dịch của đại lý phải được báo cáo kịp thời (hiện tại là 30 phút giao dịch), để cơ quan quản lý phổ biến thông tin thị trường trên Website của mình. Quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch yêu cầu tất cả các nhà giao dịch trái phiếu phải đăng ký với Hiệp hội trái phiếu để đăng ký, nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra và vượt qua kỳ kiểm tra đăng ký do Hiệp hội trái phiếu quản lý. Qua đó, Hiệp hội trái phiếu sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng, hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư đã đăng ký tuân theo Đạo đức, Quy tắc và Hành vi được thiết lập cho thị trường trái phiếu.
Riêng với Trung Quốc, để cải thiện tình hình thanh khoản thấp của thị trường TPDN, Trung Quốc đã thực hiện một số cải cách như định giá TPDN căn cứ vào trái phiếu chính phủ, thành lập các tổ chức định hạng tín nhiệm, quy định các điều kiện niêm yết trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường trái phiếu, trong đó có tổng hợp dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp đồng mua lại, hợp đồng kỳ hạn được sử dụng từ năm 2005, trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Tài chính và Ngân hàng Trung Quốc.
Tại Mỹ, các nhà đầu tư có một hội đồng khi có sự cố gì xảy ra với đơn vị phát hành trái phiếu thì hội đồng đó làm mọi thủ tục để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hội đồng đó do những nhà đầu tư bầu lên. Nó không phải là một cơ quan của Chính phủ hay một hiệp hội, mà nó giúp theo dõi việc trả lãi, trả gốc, theo dõi tình hình tài chính, theo dõi việc tuân thủ các quy định của hợp đồng trái phiếu để bảo vệ cho nhà đầu tư. Bởi bản thân mỗi nhà đầu tư không có khả năng làm những việc đó./.