Minh bạch thông tin để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, hiệu quả

Thứ sáu, 03/02/2023 14:18
(ThanhtraVietNam) - Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng một năm. Đồng thời, đề xuất lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến ngày 01/01/2024. Đây là các biện pháp trước mắt để hỗ trợ thị trường hồi phục trở lại trong thời gian ngắn, sau đó mới tính đến các nhiệm vụ, mục tiêu đường dài.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn trung và dài hạn lớn nhất

Theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong ba năm từ 2019 đến 2021, đây là kênh dẫn vốn trung và dài hạn lớn nhất, vượt qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng và huy động từ thị trường cổ phiếu. Riêng năm 2021, tổng giá trị huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã đạt hơn 600 nghìn tỷ đồng trong khi tăng ròng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng chỉ ở mức hơn 480 nghìn tỷ đồng và huy động vốn qua kênh thị trường cổ phiếu chỉ đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rơi vào ảm đạm. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, chỉ có 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng, giảm tới 56% so với cùng kỳ.

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm tốc đã được các chuyên gia dự báo từ lâu với loạt tồn tại thể hiện ở tất cả chủ thể tham gia thị trường. Do đó, diễn biến này có thể hiểu chỉ là chuyện sớm hay muộn và cần phải được đánh giá cẩn thận để khơi thông kênh vốn này.

Đại diện FiinGroup nhìn nhận dưới góc nhìn của đơn vị xếp hạng tín nhiệm thì chất lượng hàng hóa trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp không rõ ràng. Hiện tại, có hơn 95% giá trị lưu hành là phát hành riêng lẻ vốn mang nhiều bản chất của tín dụng dự án.

Nhìn lại cơ cấu phát hành trong các năm từ 2019 đến 2021, có đến khoảng 80% tổ chức phát hành là các doanh nghiệp chưa niêm yết và phần đông là các công ty dự án hoặc mới thành lập vốn khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh kiểm soát tín dụng bất động sản trong vài năm trở lại đây. Nhìn kỹ hơn vào chỉ số cơ bản của các tổ chức phát hành chưa niêm yết này thì thấy năng lực tài chính rất yếu và có hệ số đòn bẩy tài chính rất cao, nhiều công ty chưa có doanh thu và dòng tiền lịch sử đáng kể.

Các chuyên gia tài chính đồng quan điểm, những doanh nghiệp có bề dày hoạt động với uy tín, thương hiệu, tuân thủ pháp luật và luôn đáp ứng các chỉ số an toàn tài chính chuyên ngành, có hiệu quả kinh doanh cao, có xếp hạng tín nhiệm cao… trên thị trường sẽ thu hút được đối tác, khách hàng tốt và sẽ huy động vốn được dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn, tạo lợi thế để cạnh tranh phát triển tốt hơn. Do đó, các doanh nghiệp này sẽ luôn có động lực để tìm mọi cách phát triển hoạt động kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, vay trả đúng hạn, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong kinh doanh để giữ uy tín, thương hiệu.

Trước ảnh hưởng hiện nay của vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, hiện có nhiều ý kiến về việc đề xuất sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ qua việc hình thành quỹ bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tương tự những gì đã và đang thực hiện tại một số nước.

Tuy vậy nhiều chuyên gia cho rằng, cách này không khả thi trong điều kiện của Việt Nam. Để xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, mấu chốt như đã nói phải là câu chuyện niềm tin. Tiếp đến, các giải pháp hướng đến sự minh bạch thông tin sẽ là giải pháp căn cơ về dài hạn cũng như có thể góp phần chữa cháy ngắn hạn.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hỗ trợ thị trường hồi phục trở lại trong ngắn hạn hướng đến phát triển bền vững, minh bạch, hiệu quả trong dài hạn

Để giải quyết những bất cập, tồn tại, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng, Bộ Tài chính đã nhanh chóng xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP với nhiều hy vọng thay đổi tình hình, trước mắt là trong ngắn hạn.

Theo đó, sẽ đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Kiến nghị Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng một năm. Đồng thời, đề xuất lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến ngày 01/01/2024.

Các chuyên gia đánh giá, đây là các biện pháp tốt nhưng chỉ mang tính tạm thời để hỗ trợ thị trường hồi phục trở lại trong thời gian ngắn, sau đó cơ quan quản lý mới tính đến đường dài như quy định ở Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chính vì vậy, đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp thực ra là dọn đường cho việc gia hạn/giãn nợ; tạo điều kiện để những nhà đầu tư này đạt chuẩn và tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ.

Còn trong dài hạn, nếu đã mở đường cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thì phải tăng bộ lọc, tăng tính minh bạch của thị trường thông qua xếp hạng tín nhiệm mạnh hơn nữa. Đây là cách để tăng tính minh bạch của thị trường và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Bởi lẽ, những khủng hoảng xảy ra trên thị trường thời gian vừa qua có nguyên nhân chính đến từ sự thiếu minh bạch từ các doanh nghiệp phát hành.

Khảo sát của FiinRatings qua các nền tảng giao dịch trái phiếu cho thấy trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết, có chất lượng tín dụng tốt có giao dịch khá sôi động, đặc biệt là khi lợi tức trái phiếu tăng cao sau khi nhiều nhà đầu tư “cắt lỗ” trái phiếu do tâm lý có phần hoảng loạn trước những sự kiện tiêu cực. Trái lại, nhóm doanh nghiệp không minh bạch lại khá trầm lắng.

Có thể thấy, dù hiện tại đang khó khăn, song tương lai của trái phiếu vẫn là xu hướng đi lên. Xu hướng này được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ổn định, động thái tháo gỡ vướng mắc của nhà quản lý và sự vận động của chính thị trường. Các câu chuyện đảo nợ, sai trái chỉ là thiểu số và nhất thời. 

Thay vào đó, đa phần các doanh nghiệp huy động trái phiếu vẫn là làm thật, đầu tư thật, có sản phẩm thật, không sử dụng tiền huy động được từ phát hành trái phiếu để đầu tư sai mục đích hay đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro lớn. Trái phiếu doanh nghiệp trước sau vẫn là kênh dẫn vốn tốt, tiềm năng, tất yếu, cần thiết và sẽ phát triển trong thời gian tới./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra