Doanh nghiệp được thanh toán gốc lãi trái phiếu bằng tài sản khác
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo "Nghị định sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế”. Trước đó, Bộ Tài chính đặt tên nghị định là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Dự thảo với nhiều đề xuất mới được kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin thị trường và tháo gỡ khó khăn thanh khoản thị trường sau một năm tuột dốc. Một số nội dung quan trọng đáng chú ý được đề xuất sửa đổi đó là cho phép doanh nghiệp được thanh toán gốc lãi trái phiếu bằng tài sản khác.
Với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất, phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan. Nguyên tắc thứ hai phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận. Nguyên tắc thứ ba, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.
Căn cứ để Bộ Tài chính đưa ra quy định này là Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định pháp luật liên quan đã cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bộ Tài chính cũng đã trình Bộ Tư pháp thẩm định quy định này.
Trên thực tế, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp, đặc biệt thuộc nhóm bất động sản gặp khó khăn thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023, có doanh nghiệp đã đàm phán thanh toán gốc trái phiếu bằng cổ phần, có doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng sản phẩm bất động sản.
Ở một khía cạnh khác, dự thảo Nghị định cũng cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Theo đó, với trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định thời hạn tối đa không quá 2 năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư. Trong trường hợp trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và phải thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ngưng hiệu lực một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP
Cũng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, một trong những điểm quan trọng của dự thảo là cho phép ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023.
Bộ Tài chính đánh giá, trong bối cảnh khó khăn thanh khoản như hiện nay, việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết 31/12/2023 theo ý kiến của một số doanh nghiệp có thể duy trì được nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính song chưa đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ này đề xuất ngưng hiệu lực thi hành quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) và quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Các chuyên gia đánh giá cao kiến nghị hoãn nợ, theo đại diện FiinRatings, những đề xuất như ngưng hiệu lực thi hành với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, kéo dài kỳ hạn của trái phiếu không quá 2 năm, hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu đều có chung một mục đích, đó là hỗ trợ thanh khoản cho thị trường giai đoạn này và hỗ trợ để doanh nghiệp có thể xoay xở trong điều kiện thị trường khó khăn chung.
Tuy vậy, cũng có những doanh nghiệp xin "khất" nợ gốc nhưng cũng chây ỳ không thanh toán lãi cho nhà đầu tư. Do đó, theo chuyên gia, điều này tùy vào việc doanh nghiệp làm việc với trái chủ, có những những người đồng thuận có người không đồng thuận, cần phải trao đổi cụ thể trong hội nghị trái chủ.
Còn về đề xuất doanh nghiệp được thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác, nhiều trái chủ lo ngại nhà phát hành gán nợ bằng những bất động sản đang xây dở dang, hoặc ở vị trí xa xôi, cũng vô cùng bất cập. Bên cạnh việc đả thông về thanh khoản cho doanh nghiệp, điều cấp thiết là cần hỗ trợ chính sách pháp lý liên quan đến dự án đang triển khai dở dang, đây là cơ sở để cả trái chủ lẫn tổ chức phát hành có cơ sở để làm việc rõ ràng hơn đối với người nắm giữ trái phiếu.
Cũng theo vị chuyên gia này, với phương án hoán đổi tài sản, doanh nghiệp cũng phải chủ động minh bạch thông tin với trái chủ về tình trạng pháp lý hiện nay như thế nào và diễn biến làm việc với các bên liên quan ra sao. Việc hoán đổi cũng phải tùy vào quyết định của người nắm giữ trái phiếu. Việc quan trọng nhất hiện nay hỗ trợ thanh khoản và hỗ trợ chính sách liên quan đến pháp lý.
Giới phân tích cũng đặt nhiều kỳ vọng trong việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua. Và cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được Chính phủ thông qua sớm sẽ là giải pháp kịp thời, để trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho thị trường. Trong đó, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định, bền vững. Đồng thời, có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.
Tuy nhiên, đánh giá chung, việc giải quyết trái phiếu chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, căn cơ, các chuyên gia đồng nhất quan điểm để giải quyết được vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản thì cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ pháp lý. Với riêng doanh nghiệp bất động sản, cần phải chủ động hạ giá bán sản phẩm, từ đó, có thể kích thích dòng tiền bắt đáy sẽ sớm tạo thanh khoản cho thị trường./.