Nhiều điểm mới hỗ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thứ tư, 12/04/2023 10:37
(ThanhtraVietNam) - Cho phép tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh sẽ góp phần thuận lợi cho tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động, thay vì phải gắn với phương án phát hành cụ thể…

Tháo gỡ áp lực, tạo xung lực, hỗ trợ tích cực cho thị trường

Trước việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021, các chuyên gia tài chính đều chung nhận định sẽ có rất nhiều điểm tích cực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Theo đó, Dự thảo đã cho phép tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn lưu động (Khoản 14 bổ sung cho Điều 4). Điều này sẽ góp phần thuận lợi cho tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động, thay vì phải gắn với phương án phát hành cụ thể, thường chỉ được xác định được cho các chương trình, dự án đầu tư tài sản cố định. Điều này cũng phát huy được bản chất tín dụng của trái phiếu khi được mua và giám sát bởi tổ chức tín dụng.

Tiếp đó, tổ chức tín dụng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM mà tổ chức tín dụng trước đó đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023 (Sửa đổi Khoản 11, Điều 4). Đây có lẽ là vấn đề có ý nghĩa nhất trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn. Điều này nhằm tháo gỡ áp lực mà một số tổ chức tín dụng đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi Tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại.

Đồng thời, việc này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng tín dụng bởi ngân hàng đối với tổ chức phát hành và thường cũng là khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng. Đồng thời, góp phần giảm phần trái phiếu “trôi nổi” trên thị trường mà đang được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân với thông tin cơ bản là "mù tịt" về tổ chức phát hành nếu doanh nghiệp chưa niêm yết. Điều này cũng là hợp lý trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên sàn HNX chưa đi vào hoạt động.

Cũng theo chuyên gia, việc quy định tổ chức tín dụng phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp hoặc bên bán TPDN (Khoản 16 được bổ sung cho Điều 4). Điều này nhằm kiểm soát giao dịch và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp thuận tiện hơn trong quá trình giám sát tín dụng và quản trị rủi ro. Nhằm tránh tình trạng giao dịch tiền mặt và do đó mục đích sử dụng vốn khó có thể đảm bảo việc xác minh và đánh giá bao gồm cả việc kiểm toán mục đích sử dụng vốn hoặc xếp hạng tín nhiệm.

Tuy vậy, theo đại diện Công ty Cổ phần xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, bên cạnh các quy định được cởi mở hơn thì cũng có một số quy định khác có xu hướng chặt chẽ hơn về điều kiện mua trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Như việc, Dự thảo bổ sung quy định tổ chức tín dụng chỉ có thể mua trái phiếu doanh nghiệp khi hệ số Nợ/ Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán (bổ sung điểm e, khoản 6, Điều 4) .

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vẫn còn nút thắt lớn cần được nghiên cứu tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có mức đòn bẩy cao hơn mức 5x này sẽ không thuộc đối tượng được tổ chức tín dụng mua trái phiếu nữa. Điều này nhằm tránh việc nhiều doanh nghiệp là công ty dự án có đòn bẩy rất cao, lên đến chục và vài chục lần mặc dù đáp ứng các tiêu chí phát hành trái phiếu của Nghị định 153/2020/NĐ-CP hoặc sửa đổi với Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ không được tổ chức tín dụng mua nữa.

Các quy định khác vẫn được giữ theo quy định hiện hành đối với từng tổ chức tín dụng theo nguyên tắc: phải có tỷ lệ nợ xấu (NPL) < 3%, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, có phương án khả thi trong việc đảm bảo thanh toán gốc và lãi đúng hạn và không có nợ xấu (từ Nhóm 3 - Dưới chuẩn) trong vòng 12 tháng gần nhất trên CIC.

Cũng theo các chuyên gia, vẫn còn một số điểm được thị trường kỳ vọng nhưng Dự thảo chưa đề cập sửa đổi như: Tổ chức tín dụng vẫn không được mua trái phiếu doanh nghiệp nếu như phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp (khoản a, điểm 8, Điều 4). Điều này sẽ hạn chế hoạt động tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua áp dụng đối với trái phiếu riêng lẻ.

Bên cạnh đó, quy định vẫn cấm không cho tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác, tức là bổ sung “mua phần vốn góp” (của khoản b, điểm 8, Điều 4).

Quy định này nhằm kiểm soát rủi ro mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu để đầu tư hoặc mua lại các công ty con hoặc công ty khác - vốn việc đầu tư cổ phần được xem là rủi ro hơn. Tuy nhiên, về lâu về dài thì nên gỡ bỏ hoặc Ngân hàng Nhà nước nên có các quy định riêng cho hoạt động Ngân hàng Đầu tư riêng. Bởi nếu không thì hoạt động M&A và đầu tư góp vốn của doanh nghiệp sẽ cơ bản là khó thực hiện trừ phi doanh nghiệp phải dùng vốn tự có hoặc huy động qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc hướng tới người mua là các nhà đầu tư không phải tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Dự thảo vẫn cấm việc mua trái phiếu có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động (khoản c, điểm 8, Điều 4). Giới tài chính - ngân hàng kỳ vọng các quy định cho hoạt động ngân hàng đầu tư hoặc sửa đổi lần tới sẽ có thể giúp tổ chức tín dụng thực hiện và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển qua việc tăng quy mô vốn. Bởi nếu không, doanh nghiệp chỉ kỳ vọng ở việc nguồn vốn hiện có hoặc các kênh vốn khác như quỹ đầu tư, bảo hiểm,... Tuy nhiên, hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm cũng không cho phép các công ty bảo hiểm mua trái phiếu với mục đích tái tài trợ này. Và đây vẫn là nút thắt lớn cho thị trường TPDN trong thời gian tới, vì "cầu" từ hai nhóm nhà đầu tư lớn này đã bị hạn chế./.

 

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra