Phát hành trái phiếu “chui”, VsetGroup phải trả lại nhà đầu tư những gì?

Thứ hai, 14/03/2022 15:31
(ThanhtraVietNam) - Hành vi huy động hơn 200 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup nhưng không nộp hồ sơ đăng ký được xác định là vi phạm Luật Chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 600 triệu đồng và yêu cầu hoàn trả tiền mua cho nhà đầu tư cùng tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng. Vụ việc tương tự nếu xảy ra sau 1/1/2022, tiền lãi sẽ được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu, thường là cao hơn lãi suất ngân hàng rất nhiều lần.

Chào bán trái phiếu bất thường, tiềm ẩn rủi ro

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), qua kiểm tra, phát hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup (trụ sở tại 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) trong thời gian từ 1/1/2020 đến 27/10/2021 đã đưa thông tin mời chào, liên hệ trên phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư tiếp cận, mua trái phiếu.

Cơ quan này xác định, VsetGroup đã chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN, vi phạm Luật Chứng khoán.

Ngày 30/11/2021, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 814/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính VsetGroup 600 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Ngoài ra, theo UBCKNN, hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.

Cụ thể, VsetGroup báo cáo đã ký hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu từ 1/1/2020 đến 27/10/2021 với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được từ chào bán trái phiếu.

Công ty không theo dõi, hạch toán, trình bày trên Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 và thời điểm 30/6/2021 đối với các khoản tiền thu được từ chào bán, trả lãi vay, trả gốc vay trái phiếu.

Các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu được các cá nhân trong Công ty rút ra khỏi tài khoản và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của Công ty.

“UBCKNN đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an để xem xét xử lý vụ việc” - thông tin đăng trên Cổng Thông tin điện tử của UBCKNN thời điểm ngày 10/12/2021.

Được biết, ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong Công điện của Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

leftcenterrightdel
Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup có mã số doanh nghiệp là 0312706739 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 26/3/2014, thay đổi lần thứ 19 ngày 21/9/2021. Ảnh: VsetGroup

Nhận tiền lãi như ghi trên trái phiếu hay lãi suất ngân hàng?

Trong vụ việc VsetGroup phát hành trái phiếu vi phạm Luật Chứng khoán, ngoài việc xử phạt số tiền 600 triệu đồng, UBCKNN còn yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Đó là, buộc VsetGroup phải thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà VsetGroup mở tài khoản thu tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Ngày 1/12/2021, UBCKNN đã có văn bản yêu cầu VsetGroup trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm, phải gửi văn bản thông báo cho nhà đầu tư về việc hoàn trả tiền mua trái phiếu cho nhà đầu tư.

Trường hợp VsetGroup không hoàn trả tiền mua trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư, đề nghị nhà đầu tư phản ánh đến Thanh tra của UBCKNN.

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, Luật sư Hoàng Việt Hùng (Giám đốc Công ty Luật UpLaw, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, theo Nghị định 156, biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi phát hành trái phiếu “chui” như trên là hoàn trả cho nhà đầu tư số tiền đã mua kèm theo một khoản tiền lãi được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà công ty phát hành mở tài khoản. Tiền gửi không kỳ hạn được các ngân hàng áp dụng mức lãi suất rất thấp, thường không quá 3% một năm, cá biệt có ngân hàng áp dụng dưới 1% một năm nên nhà đầu tư rất thiệt thòi.

Tuy nhiên, Nghị định 128 đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 156. Theo quy định mới, ngoài việc được nhận lại toàn bộ số tiền mua trái phiếu, nhà đầu tư còn được nhận về một khoản tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu. Lãi suất ghi trên trái phiếu thường cao hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn rất nhiều, cao hơn cả lãi suất tiền gửi có kỳ hạn, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất trên 10% mỗi năm.

Điểm b, khoản 9, Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 156/2020/NĐ-CP như sau:

“a) Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, các điểm a, b, c khoản 5, khoản 6 Điều này. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.”


Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra