Thanh tra chuyên ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm:

Phát hiện vi phạm hơn 57 nghìn tỷ đồng; thanh tra trái phiếu, tiền ảo, bảo hiểm…

Thứ hai, 11/07/2022 10:27
(ThanhtraVietNam) - Số liệu tổng hợp từ báo cáo của 17 bộ, ngành và 62 địa phương do Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước là một trong số các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả nhất. Thanh tra, giám sát ngân hàng đã phát hiện vi phạm liên quan số tiền hơn 57 nghìn tỷ đồng; đã bổ sung, triển khai thanh tra, kiểm tra các hoạt động giao dịch tiền ảo, đầu tư trái phiếu, kinh doanh bảo hiểm... của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Báo cáo riêng số tiền vi phạm phát hiện

Theo đó, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành cả nước tiến hành 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của gần 171 nghìn tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện gần 64 nghìn tổ chức, cá nhân có vi phạm với số tiền gần 24 nghìn tỷ đồng (không bao gồm số tiền vi phạm do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phát hiện - PV); kiến nghị thu hồi hơn 9,8 nghìn tỷ đồng; ban hành 57.154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 4,2 nghìn tỷ đồng; xử phạt bằng hình thức khác 3.605 trường hợp.

Đáng chú ý, các Cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 125 vụ việc với 63 đối tượng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã công bố một số bộ, ngành, địa phương triển khai thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ninh Bình, An Giang, Hà Nội…

Trong 6 tháng, ngoài 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, toàn ngành Thanh tra còn triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính. Hai hoạt động thanh tra này đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Do tính đặc thù nên số tiền vi phạm các quy định của nhà nước về cho vay, nợ quá hạn… do Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước phát hiện được tách riêng, không gộp vào số liệu chung toàn ngành Thanh tra.

Con số vi phạm được công bố là 57.279 tỷ đồng, lớn hơn gấp 2 lần vi phạm kinh tế cả ngành Thanh tra đã phát hiện trong 6 tháng đầu năm nay.

leftcenterrightdel
 Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã triển khai thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng. Ảnh: NT

Thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu

Giai đoạn này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã ban hành kết luận thanh tra tại Công ty Cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB), Ngân hàng Hợp tác xã, Ngân hàng Liên doanh Việt Nga, Công ty Tài chính MB Shinsei, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng United Overseas Việt Nam, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GBBank).

Đồng thời, triển khai thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB)…

Đang hoàn thiện kết luận thanh tra/báo cáo kết quả thanh tra tại Techcombank, Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Nông Trường Mộc Châu, Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Công tác thanh tra chuyên ngành của Cơ quan này được triển khai dựa trên kế hoạch thanh tra được ban hành theo quyết định số 1912/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và tình hình thực tế.

Xử lý nghiêm trường hợp “ép” khách hàng mua bảo hiểm

Cũng trên cơ sở kế hoạch thanh tra năm 2022, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tham mưu Thống đốc Ngân hàng chỉ đạo, hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra; bổ sung nội dung thanh tra, kiểm tra các giao dịch liên quan tiền ảo có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng, xử lý nghiêm trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng…

Được biết, ngay từ tháng 10/2020, để đảm bảo hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định pháp luật và phát triển một cách lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống.

Xử lý nghiêm trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

Phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng, cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm…

“Báo cáo tình hình thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh/đại lý bảo hiểm, gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng”, văn bản số 7928/NHNN-TTGSNH ngày 30/10/2020 của Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra