Phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh để “gỡ khó” cho bất động sản

Thứ hai, 13/03/2023 09:47
(ThanhtraVietNam) - Đánh giá thị trường bất động sản đã chuyển biến nhưng còn khó khăn về thể chế, nguồn vốn…cần tháo gỡ, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo thực hiện một số giải pháp về hoàn thiện thể chế, về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu; về truyền thông khôi phục niềm tin... Bao gồm, nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thanh tra, giám sát thị trường trái phiếu góp phần đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế

Tất cả các chủ thể liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ

Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2022, dù có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…

Nghị quyết chỉ rõ, thị trường bất động sản gặp khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản của thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển.

Một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn một số tồn tại, bất cập; nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung giảm; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp nhưng thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội;  thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.  

Chính phủ đã thống nhất quan điểm, tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp; phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán dành cho bất động sản một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước…

Từ đó, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong đó có nội dung tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Tăng nguồn cung; điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội…

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về hoàn thiện thể chế; về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; về nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; về tổ chức thực hiện của các địa phương và về thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản đã được đề ra cụ thể trong Nghị quyết.

Nghị quyết nêu rõ, các bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục khẩn trương, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…

Đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin, đảm bảo hiệu quả, kịp thời, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản.

leftcenterrightdel
 Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Ảnh: NT

Doanh nghiệp cần ưu tiên nguồn lực thanh toán nợ trái phiếu và cơ cấu lại giá, sản phẩm

Về giải pháp đối với nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn, bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật.

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh... huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Đáng chú ý, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo Nghị quyết, Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023.

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; có các biện pháp, giải pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tiễn; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiều bằng tài sản, bất động sản…

Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được yêu cầu có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu và chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra