Trái phiếu doanh nghiệp:

Quản lý nhà nước cần song hành với công khai minh bạch về “sức khỏe” doanh nghiệp phát hành

Thứ hai, 20/02/2023 13:48
(ThanhtraVietNam) - Là kênh dẫn vốn quan trọng và giúp giảm áp lực cung ứng vốn từ tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế, triển vọng phát triển lành mạnh và hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh cũng như tính minh bạch về thông tin của doanh nghiệp phát hành…

Thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư

Với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn đã dần khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng; giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng.

Đối với thị trường TPDN, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường TPDN của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường TPDN ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường TPDN đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.

Số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, tổng lượng TPDN đáo hạn trong năm 2022 và 2023 vào khoảng 540 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, riêng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng, tăng 90% so với năm 2022; trong đó lĩnh vực bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%.

Các chuyên gia nhận định, khó khăn của thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 một phần đến từ việc lãi suất ngân hàng tăng, niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước giảm, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Riêng thị trường TPDN còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.

Trước diễn biến của thị trường TPDN như vậy, cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Bộ Tài chính cần khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành TPDN, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế; khẩn trương rà soát, đánh giá kĩ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023. 

Đồng thời, chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lí theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; chủ động phòng chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Cũng theo giới phân tích, trước mắt Bộ Tài chính cần phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/ 2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Xử lí nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, phân phối trái phiếu

Minh bạch thông tin trên thị trường còn đòi hỏi các cơ quan chức năng chủ động ngăn ngừa, nhận diện, phát hiện các hành vi và đối tượng lợi dụng tin đồn mục tiêu nhiễu loạn thị trường chứng khoán

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, nhất là về định hướng phát triển thị trường TPDN công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường; ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lí nghiêm các trường hợp đưa tin giả mạo, thất thiệt... gây ảnh hưởng đến thị trường; tập trung quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tiếp tục rà soát, đánh giá hoạt động của các công ty chứng khoán, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong quản lí, giám sát việc các tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần xử lí nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu; việc chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc kí hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, cải cách quy trình cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng; các Sở Giao dịch Chứng khoán chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch.

Lành mạnh hóa thị trường, cung cấp vốn cho nền kinh tế, nên việc phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ trên cả 2 kênh phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ là cần thiết, để tăng sự lựa chọn và cải thiện số tài khoản đầu tư mới trên thị trường trái phiếu. Trước mắt, một mặt, các cơ quan chức năng cần rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tăng mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng.

Về phía mình, các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp có những khó khăn vướng mắc về thanh toán đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó. Các doanh nghiệp phải tăng cường tính công khai minh bạch về định mức tín nhiệm, tình hình tài chính và thanh toán nợ của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư. Khi làm tốt những yêu cầu này, chắc chắn những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp minh bạch có thể tiếp tục quay trở lại để phát hành trái phiếu huy động vốn.

Có thể thấy, triển vọng thị trường TPDN phụ thuộc vào sự minh bạch của thị trường, với yêu cầu thông tin doanh nghiệp phát hành bảo đảm đầy đủ, nhanh chóng và có độ tin cậy cao; sớm thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành và tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát độc lập, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định pháp lý về hoạt động trên TTCK nói chung và TPDN nói riêng. Hơn nữa, sự minh bạch thông tin trên thị trường còn đòi hỏi các cơ quan chức năng chủ động ngăn ngừa, nhận diện, phát hiện các hành vi và đối tượng lợi dụng tin đồn mục tiêu nhiễu loạn thị trường, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra