Tái cấu trúc doanh nghiệp, minh bạch thông tin doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Thứ sáu, 24/03/2023 08:43
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện thì các doanh nghiệp bất động sản cần tạo ra các sản phẩm bền vững, ổn định. Đồng thời doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần xây dựng các phương án trả nợ, phát hành, đặc biệt là lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.

Quy định chỉ cho lùi 2 năm, nhưng nếu trái chủ tin tưởng doanh nghiệp, sẵn sàng cho doanh nghiệp lùi thời gian trả nợ lâu hơn

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và dừng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (viết tắt là Nghị định 08), trong đó có nhiều điểm đáng chú ý như gia hạn thanh toán trái phiếu không quá 2 năm, củng cố xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp hay khai thông nguồn vốn cho thị trường.

Theo chuyên gia tài chính, kết thúc năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế. Trong nhiều năm, tỷ trọng cho vay bất động sản luôn cao nhất trong nền kinh tế, chiếm từ 19 - 21%.

Trong khi đó, tài sản doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, bây giờ, doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu bổ sung cũng rất khó, mà ngay cả nếu phát hành ra thì có bán được hay không cũng là vấn đề.

Từ đầu năm 2023 đến nay, gần hết Quý I nhưng doanh nghiệp gần như không phát hành được. Vấn đề bây giờ là ai cứu thị trường? Cứu như thế nào? Cái chính vẫn là phải tự cứu mình, một chuyên gia chia sẻ.

Về phía Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể, đưa ra chính sách nhằm giải quyết vấn đề trái phiếu đến thời điểm đáo hạn trong khoảng thời gian 2023 - 2024. Đơn cử như giúp doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để đẩy lùi thời gian đáo hạn, hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác…

Theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì thấy rặng, trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động đã và đang làm như vậy, nhưng với Nghị định 08, hành lang pháp lý đã được thiết lập để bảo vệ quyền lợi cho cả bên phát hành lẫn trái chủ.

Cũng theo chuyên gia, còn có một điều giúp thị trường trái phiếu có thể "ấm" lên là quy định xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trước đây, Nghị định 65 đã quy định rất chặt chẽ về điều này. Nhưng với Nghị định 08, nhà đầu tư không cần phải bắt buộc đáp ứng đủ các quy định, tạo điều kiện giúp gia tăng lượng người mua. Tuy nhiên, mức độ "ấm" như thế nào thì vẫn còn phải tùy thuộc vào diễn biến của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Về giải pháp, chính các doanh nghiệp cần phải tự nỗ lực để có được niềm tin đó bằng các hành động cụ thể như trả lãi vay đúng hạn cho trái chủ, chủ động đàm phán với họ... Nghị định 08 chỉ cho lùi 2 năm, nhưng nếu trái chủ tin tưởng doanh nghiệp, họ sẵn sàng cho doanh nghiệp lùi 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm. Luật pháp cũng không hề cấm điều này.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp cần đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình

Ở một khía cạnh khác, Nghị định 08 sẽ chỉ giúp các doanh nghiệp trong việc xử lý hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn và sắp đáo hạn trong năm 2023 và 2024, nhưng không hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới.

Do đó, theo các chuyên gia, việc tái cơ cấu lại tài chính, trái phiếu doanh nghiệp là cơ hội cho doanh nghiệp có 2 năm xử lý các vướng mắc, củng cố, xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và thị trường doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, Nghị định chưa có nội dung nào giúp biến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản trở thành một kênh quan trọng, ổn định, bền vững, bên cạnh những kênh tài chính hiện tại.

Bên cạnh đó việc kéo giãn kỳ hạn trái phiếu 2 năm mang tới kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian và điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể tháo gỡ các dự án đang vướng pháp lý, chuyển nhượng dự án hay tích lũy dòng tiền từ các đợt bán hàng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn.

Và khi niềm tin các nhà đầu tư quay lại cùng với các dự án được tháo gỡ pháp lý thì việc phát hành huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại giúp cho việc thanh toán hoặc thanh khoản dễ dàng hơn. Cùng với đó, Nghị định 08 ra đời không chỉ giúp giảm tải áp lực cho doanh nghiệp mà còn có thể bảo vệ nhà đầu tư. Đối với các trái chủ không muốn gia hạn 2 năm, Nghị định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của họ vì vẫn cho họ quyền chọn lựa chứ doanh nghiệp không được tự ý gia hạn.

Với những nhà đầu tư chưa có nhu cầu ngay, doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, không bán rẻ tài sản, từ đó bảo toàn giá trị tài sản trong thời gian ngắn hạn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư với số tiền chứng khoán ít hơn 2 tỷ đồng nhưng có các khoản tiết kiệm nhàn rỗi ở ngân hàng có thể xem xét tham gia, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Khi thanh khoản tăng lên cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc phát hành mới, cũng như phân loại các doanh nghiệp.

Còn theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Chính phủ cần thúc đẩy tiến trình sửa đổi các bộ luật, ngoài Luật Đất đai, còn có Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, thúc đẩy chỉnh sửa đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Đối với doanh nghiệp, cần có các phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường, nhằm có dòng tiền để doanh nghiệp khởi động trở lại.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên đưa nhà ở xã hội vào chiến lược kinh doanh của mình, kể cả doanh nghiệp lớn chuyên về phát triển nhà ở cao cấp. Và xem đây là sản phẩm tạo ra sự bền vững, ổn định dài hơn đối với doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần xây dựng các phương án trả nợ, phát hành, đặc biệt là lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra