Tăng tiền kiểm, hậu kiểm đối với các giao dịch phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Thứ ba, 11/10/2022 16:46
(ThanhtraVietNam) - Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) có hiệu lực thi hành từ 16/9/2022 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm đối với các giao dịch phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ để thị trường trái phiếu có thể phát triển một cách lành mạnh và bền vững hơn.

Cần tháo gỡ nút thắt để khơi thông nguồn vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nghị định 65 đã bổ sung một số đơn vị giám sát độc lập nhằm đảm bảo tính tuân thủ của tổ chức phát hành bên cạnh các quy định đã ban hành tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Theo đó, những đơn vị giám sát bao gồm người sở hữu trái phiếu (áp dụng trong trường hợp chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân) để giám sát việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu, giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành; tổ chức kiểm toán đủ điều kiện, nhằm thực hiện kiểm toán tình hình sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu (mục đích phát hành trái phiếu).

Đối với công tác tiền kiểm, bên cạnh những quy định chặt chẽ về năng lực, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức phát hành đủ điều kiện, Nghị định 65 cũng bổ sung những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân về phương thức xác định quy mô nắm giữ danh mục đầu tư chứng khoán (bình quân tối thiểu trong 180 ngày), cũng như thời gian có hiệu lực của xác nhận rút ngắn chỉ còn 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Các chuyên gia tài chính nhận định, quy định mới có thể sẽ gây khó khăn đối với hai đối tượng nhà đầu tư. Một là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có nhu cầu chuyển đổi linh hoạt sản phẩm đầu tư tùy thuộc vào diễn biến thị trường của từng loại hình sản phẩm. Hai là nhà đầu tư chỉ có nhu cầu đầu tư vào TPDN. Thay vì chỉ cần xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm mua, theo quy định mới nhà đầu tư sẽ phải nắm giữ chứng khoán niêm yết liên tục trong thời gian khoảng 6 tháng. Điều này sẽ chỉ phù hợp cho nhà đầu tư có danh mục tài sản đa dạng, bao gồm cả cổ phiếu và TPDN. Theo đó, có khả năng nguồn cầu có thể sẽ bị ảnh hưởng từ việc gián đoạn hoạt động mua bán từ các nhà đầu tư chuyên biệt vào trái phiếu.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, thị trường TPDN sơ cấp trong 7 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng, 22,43% là các công ty chứng khoán, trong khi đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 10,11% tổng giá trị mua. Dù vậy, dữ liệu của thị trường thứ cấp lại cho thấy số lượng TPDN được nắm giữ bởi các cá nhân lên tới 32,6%, chủ yếu nhờ vào các giao dịch mua trung gian với công ty chứng khoán.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) bày tỏ lo lắng khi tới đây nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể khó tiếp cận nguồn vốn từ kênh trái phiếu. Nghị định 65 nâng tiêu chuẩn của nhà phát hành là đúng, siết đầu vào là đúng, nâng các tiêu chuẩn phát hành, các tiêu chuẩn về minh bạch thì doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện nội tại để phát hành được trái phiếu, điều đó tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp khiến thị trường bị tắc đầu ra. Trong khi các rào cản kỹ thuật đối với nhà đầu tư cá nhân tăng lên thì hiện nay nhiều quỹ đầu tư vẫn đang bị giới hạn khá khắt khe khi đầu tư TPDN. Đây chính là nút thắt mà thị trường mong muốn cơ quan quản lý từng bước tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn trên thị trường TPDN.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Nhà đầu tư cá nhân chưa “mặn mà” với sản phẩm chứng chỉ quỹ trái phiếu

Giới phân tích cùng chung quan điểm, TPDN riêng lẻ có tính rủi ro cao hơn rất nhiều so với phát hành ra công chúng. Chỉ những nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao thì mới đầu tư TPDN riêng lẻ. Những doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng nên hiểu rằng phát hành TPDN riêng lẻ là phát hành đẳng cấp thấp. Nếu doanh nghiệp cứ bám vào nguồn vốn từ phát hành riêng lẻ thì đẳng cấp trên thị trường cũng thấp dần cả về uy tín lẫn chiến lược quản trị. Quản trị một tập đoàn lớn mà chỉ bám vào phát hành riêng lẻ để có nguồn vốn là một sai lầm.

Tuy nhiên, đối với mỗi doanh nghiệp, ở giai đoạn đầu, khi tiềm lực tài chính chưa mạnh, trình độ quản trị còn thấp, doanh nghiệp phải chọn phương thức phát hành riêng lẻ. Mức độ rủi ro của những trái phiếu này cao hơn, không thể bán cho tất cả đối tượng nhà đầu tư mà chỉ tập trung vào nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có định hướng và mục tiêu để nhanh chóng tiếp cận được với kênh phát hành ra công chúng.

Còn về phía cơ quan quản lý, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn cần có những cải cách về thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì 6 tháng đến 1 năm như hiện nay. Thêm một giải pháp nữa là đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty quản lý quỹ.

Còn theo đại diện một Công ty chứng khoán, thời gian qua với sự bùng nổ của thị trường TPDN, khá nhiều quỹ đầu tư trái phiếu đã ra đời nhưng nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự mặn mà với sản phẩm chứng chỉ quỹ trái phiếu. Nguyên nhân đầu tiên là do tư duy mua bán và sở hữu truyền thống, thay vì sở hữu trực tiếp một trái phiếu (có giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu), nhà đầu tư sẽ chuyển sang hình thức đồng sở hữu gián tiếp (một hoặc nhiều trái phiếu) cùng với nhiều nhà đầu tư khác, thông qua việc sở hữu chứng chỉ quỹ.

Đồng thời, xuất phát từ khả năng lựa chọn thời điểm mua/bán. Khác với TPDN tại thị trường Việt Nam không được định giá lại khi thực hiện mua bán, giá chứng chỉ quỹ có thể thay đổi theo môi trường lãi suất, khiến cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, có nhu cầu đầu tư vào sản phẩm lãi suất cố định, gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn thời điểm mua/bán chứng chỉ quỹ, có thị giá biến động. Và lợi suất kỳ vọng khi mua chứng chỉ quỹ thông thường sẽ thấp hơn lãi suất trái phiếu do phải khấu trừ các chi phí vận hành quỹ./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra