Sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP:

Tạo khung pháp lý mới thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả hơn

Thứ hai, 25/07/2022 09:33
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh những mặt tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiêp (TPDN) cũng bộc lộ những điểm yếu kém, đòi hỏi khung pháp lý phải được làm mới, để thị trường hoàn thiện hơn, góp sức thực thi tốt các mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Thị trường TPDN ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò là kênh huy động vốn hấp dẫn, quan trọng cho doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, thị trường TPDN ngày càng phát triển mạnh mẽ về quy mô lẫn số loại sản phẩm, đóng vai trò là kênh huy động vốn hấp dẫn, quan trọng cho doanh nghiệp và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống tín dụng ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thị trường cũng bộc lộ những điểm yếu kém, đòi hỏi khung pháp lý phải được làm mới, để thị trường hoàn thiện hơn, góp sức thực thi tốt các mục tiêu trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

Để điều chỉnh việc phát hành trái phiếu của các doang nghiệp (DN), cách đây hơn 10 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 nhằm góp phần xây dựng khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ và phát hành TPDN ra thị trường quốc tế. Năm 2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 90/2011/NĐ-CP. Năm 2020, tiếp tục ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định số 163/2018/NĐ-CP.

Qua việc nghiên cứu, rà soát các Nghị định này, có thể thấy, có một số điểm đã được thay đổi cơ bản để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát hành, nhưng cũng đồng thời cũng quy định chi tiết hơn về đối tượng mua trái phiếu cũng như trách nhiệm của tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn, cụ thể:

Về Điều kiện phát hành, đối chiếu giữa các khung pháp lý giai đoạn trước tính từ Luật DN 2005, Luật DN 2014, Luật DN 2020, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, có thể nói, quy định pháp luật về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ đã có những thay đổi tích cực theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN phát hành huy động được vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Thay đổi lớn nhất ban đầu phải kể đến là Luật DN 2014 đã bỏ điều kiện quy định liên quan về DN phải có lãi mới được phát hành trái phiếu (điều 88 Luật DN 2005 thì quy định DN không được phát hành trái phiếu nếu tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân của 3 năm liên tiếp trước đó không cao hơn mức lãi suất trả cho trái phiếu dự kiến định phát hành).

Trong Luật DN 2014 và 2020 không còn quy định tương tự này và chính vì vậy, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ những yêu cầu về lợi nhuận và các quy định về lãi suất trái phiếu, nhờ đó giúp gỡ khó cho các DN đang gặp khó khăn trong kinh doanh vẫn huy động được vốn qua kênh trái phiếu để cải thiện năng lực tài chính.

Bên cạnh đó, để nâng chất lượng báo cáo tài chính, tổ chức kiểm toán phải là tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Tiếp đó, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã loại bỏ quy định trong Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về khoảng cách giữa các lần phát hành tối thiểu là 6 tháng mà chỉ quy định trường hợp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt thì tổng thời gian chào bán thành nhiều đợt không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

Ngoài ra, xuyên suốt qua những lần sửa đổi quy định pháp luật về phát hành TPDN riêng lẻ, những điều kiện còn lại vẫn được duy trì như tổ chức phát hành phải là Công ty cổ phần, Công ty TNHH; điều kiện về thanh toán đủ gốc và lãi các trái phiếu đã được phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành; các điều kiện về cấp có thẩm quyền phê duyệt, …

Như vậy, có thể nói, điều kiện phát hành từ Luật DN 2014 (điều kiện về có lợi nhuận) đã thay đổi và do đó nhiều DN có thể thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Đây là thay đổi mang tính cốt lõi, phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho thị trường TPDN phát triển và dần dần thay thế kênh huy động vốn truyền thống qua các tổ chức tín dụng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tháo gỡ các nút thắt, khơi thông các điểm nghẽn trong các quy định hiện hành giúp hỗ trợ, phát triển hiệu quả thị trường TPDN

Tiếp đó là những quy định về đối tượng mua/giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, những quy định về lợi nhuận được gỡ bỏ, điều đó cũng có nghĩa quan điểm, cách nhìn về kênh huy động vốn TPDN cũng thay đổi theo. Với xu thế đó, đối tượng mua trái phiếu phát hành riêng lẻ - các nhà đầu tư cũng đã được đưa vào trong Nghị định để nhận được sự quan tâm và bảo vệ ngày càng tăng qua từng lần ban hành các Nghị định.

Trước đây, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP và Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đều không quy định giới hạn đối tượng nhà đầu tư. Ngoài ra, các nghị định này chỉ quy định quyền lợi mà không có quy định trách nhiệm của nhà đầu tư khi tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ.

Đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, nhằm mục đích bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có kinh nghiệm và khả năng phân tích đánh giá rủi ro khi đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ, Chính phủ đã quy định đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đồng thời, Nghị định này cũng đã được bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư có trách nhiệm tự tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của DN phát hành, tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm quyết định đầu tư của mình, tự chịu rủi ro, tuân thủ đúng quy định về đối tượng được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Đặc biệt, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP cũng quy định: “Nhà nước không đảm bảo việc DN phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu”. Như vậy, theo quy định, nhà đầu tư phải thực sự am hiểu và có kinh nghiệm về đầu tư nói chung và trái phiếu nói riêng, tự tiếp cận thông tin, tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm và hiểu được những rủi ro có thể xảy ra đối với mình khi quyết định mua TPDN phát hành riêng lẻ.

Liên quan đến trách nhiệm của tổ chức phát hành, tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm về tuân thủ quy định pháp luật về chào bán trái phiếu; sử dụng vốn theo đúng phương án phát hành; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của trái phiếu cho trái chủ; chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực, đầy đủ của hồ sơ chào bán trái phiếu và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán thống kê và kiểm toán theo quy định của pháp luật, sử dụng vốn theo đúng phương án phát hành trái phiếu.

Rõ ràng, DN là đơn vị sử dụng vốn sẽ vẫn phải là tổ chức chịu trách nhiệm về hồ sơ phát hành và sử dụng dụng vốn phát hành. Trong Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, lần đầu tiên nhắc tới tổ chức phát hành còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm Nghị định. Đây là điểm để nâng cao tính trách nhiệm của tổ chức phát hành.

Một điểm quan trọng nữa là trách nhiệm rà soát của tổ chức tư vấn, từ Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, đợt phát hành TPDN riêng lẻ bắt buộc phải có tổ chức tư vấn. Tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm của tổ chức tư vấn là rà soát điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trái phiếu của DN. Đến Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã bổ sung thêm quy định tổ chức tư vấn chịu trách nhiệm về việc rà soát của mình.

Với trách nhiệm rà soát các điều kiện phát hành của tổ chức tư vấn, với các điều kiện phát hành khá thuận lợi cho các DN phát hành, các điều kiện cũng đã được nêu cụ thể tại Điều 9 (đối với DN phát hành 1 đợt) và Điều 10 (đối với DN phát hành và chào bán thành nhiều đợt), tuy nhiên việc rà soát này cũng phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp thông tin của DN cho đơn vị tư vấn.

Ngoài ra, các bên tham gia trong các đợt phát hành TPDN riêng lẻ còn có các tổ chức khác như: Đại lý phát hành, Đại lý quản lý Tài sản bảo đảm (nếu có), Đại lý đăng ký lưu ký, và quản lý chuyển nhượng trái phiếu, Đại diện Người sở hữu trái phiếu (nếu có), Tổ chức quản lý tài khoản và thanh toán (nếu có)...

Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản pháp lý về phát hành TPDN riêng lẻ vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của từng bên liên quan này mà chỉ phụ thuộc vào phạm vi công việc trong các hợp đồng dịch vụ ký giữa các bên liên quan và tổ chức phát hành.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra