Tập đoàn Thái Tuấn chậm trả nợ hơn 800 tỷ đồng trái phiếu, giải pháp nào để giãn nợ

Thứ tư, 10/05/2023 10:51
(ThanhtraVietNam) - Thời gian gần đây, rất nhiều công ty rơi vào tình trạng chậm trả gốc và lãi trái phiếu doanh nghiêp (TPDN) đến kỳ đáo hạn, khiến rủi ro đối với người nắm giữ trái phiếu tăng lên. Mới đây nhất, ngày 5-5, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết CTCP Tập đoàn Thái Tuấn chậm trả nợ hơn 800 tỷ đồng trái phiếu, với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. Trước thực tế đó, Chính Phủ đã có những giải pháp gì để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức phát hành, trái chủ, các bên liên quan, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư vào thị trường TPDN?

Chậm trả do không thu xếp được nguồn tiền

Tổng số tiền gốc và lãi trái phiếu mà CTCP Tập đoàn Thái Tuấn chưa thanh toán là khoảng 840 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có 2 lô trái phiếu đang lưu hành, trong đó một lô trị giá 300 tỷ đồng được phát hành ngày 12/4/2021 với kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 12/10/2022), một lô trị giá 500 tỷ đồng được phát hành ngày 20/5/2021, cũng với kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 20/11/2022). Tuy nhiên, khi đến kỳ đáo hạn 2 lô trái phiếu trên, do chưa thu xếp được nguồn thanh toán nên Thái Tuấn chưa thể thanh toán tiền gốc. Về tiền lãi, với lô 300 tỷ đồng, tính đến ngày 12/4/2022, trong tổng số gần 33 tỷ đồng tiền lãi công ty đã thanh toán 16,5 tỷ đồng, còn với lô 500 tỷ đồng, tính đến ngày 20/5/2022, trong tổng số 55 tỷ đồng tiền lãi công ty đã thanh toán 27,7 tỷ đồng.

Có thể thấy, trên tổng số tiền lãi phải trả của mỗi TPDN này chỉ mới thanh toán được một nửa. Số tiền thanh toán gốc (800 tỷ đồng) chưa được thanh toán. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng cộng công ty này đã chậm thanh toán 844 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu. Được biết, hai lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành có lãi suất 11%/năm (trả lãi 6 tháng/lần).

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Hình thức đảm bảo trái phiếu là bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu 300 tỷ đồng gồm 20 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Thái Tuấn với tổng mệnh giá là 200 tỷ đồng; nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 07, 08, 09 Trang Tử, phường 14, quận 5, TP HCM và 2,6 ha đất tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có tổng giá trị 210 tỷ đồng, được định giá bởi CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam. Bên cạnh đó, với lô trái phiếu 500 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là hơn 16 triệu cổ phần của công ty, tổng giá trị gần 810 tỷ đồng (tương đương mỗi cổ phần có giá trị 50.450 đồng).

leftcenterrightdel
Tình hình chậm trả TPDN từ 17/3/2023 đến 17/4/2023. Ảnh Nguồn: FiinRatings 

Các trái chủ nên làm gì?

Các giải pháp như bán lại trái phiếu cho công ty chứng khoán, xử lý tài sản đảm bảo , hàng đổi hàng… đều khó khả thi với nhà đầu tư TPDN nước ta trong bối cảnh hiện nay. Phương án khả thi nhất hiện nay với nhà đầu tư đang “ôm’ trái phiếu là phương án thu xếp giãn nợ.

Thay vì ép các doanh nghiệp phát hành hoặc công ty chứng khoán mua lại, các nhà đầu tư trái phiếu nên đàm phán với doanh nghiệp phát hành để giãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó. Điều này sẽ giúp giải quyết được khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cũng không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai. Dĩ nhiên, tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án mà nhà đầu tư có thể đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu tuỳ theo mức độ rủi ro được đánh giá hoặc thoả thuận lại.

Trong ngành tín dụng ngân hàng thì điều này cũng tương tự như việc tái cơ cấu nợ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã thực hiện nhiều năm qua cho các khách hàng của họ. Do đó, phương án này đòi hỏi các định chế tài chính liên quan bao gồm đơn vị tư vấn, phân phối và đặc biệt là đơn vị đại diện sở hữu trái phiếu hoặc quản lý tài sản thế chấp cần phải có trách nhiệm và chủ động vào cuộc.

Thị trường TPDN hiện nay cần có được sự chia sẻ và đồng hành tiếp tục của tất cả thành viên tham gia thị trường với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn. Khi đó, vấn đề lùm xùm của TPDN hiện nay sẽ được giải quyết, hoặc ít nhất là giảm những tác động dây chuyền, hướng đến một giải pháp hài hoà cho tất cả các bên. Thực tế trên thị trường có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nhưng vì người dân xếp hàng đáo hạn theo trào lưu mà có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.

Hợp tác lợi ích, chia sẻ rủi ro

Trước những áp lực thanh toán TPDN đến hạn đối với các doanh nghiệp ngày càng lớn, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023, sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định 153/2000/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Nghị định 08 đã luật hóa các quy định về gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu, dùng tài sản để thay thế nghĩa vụ nợ TPDN trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải bảo đảm tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin có liên quan.

leftcenterrightdel
 Chính Phủ đưa ra biện pháp tháo gỡ vấn đề nợ TPDN. Ảnh minh hoạ

Có hai điểm quan trọng của nghị định mới lần này là cho phép doanh nghiệp phát hành kéo dài kỳ hạn trái phiếu không quá hai năm, trong khi đó với quy định cũ doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Việc tìm kiếm nguồn vốn đảo nợ với trái phiếu doanh nghiệp hiện nay rất khó. Do đó, nghị định mới mở ra cơ hội cho doanh nghiệp đàm phán với chính trái chủ để kéo giãn thời gian trả nợ, cũng như cho phép họ có thêm thời gian tái cấu trúc tài chính và bán hàng để có nguồn tiền trả nợ. Để thực hiện giải pháp này, doanh nghiệp phát hành và trái chủ nên cân đối lợi ích và tổn thất trong mọi trường hợp để có giải pháp đúng đắn, đặc biệt là đối với các TPDN không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền

Ngoài ra, nghị định mới mở ra phương án cho doanh nghiệp phát hành có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, gồm cả bất động sản. Đây là phương án khả thi, cần thiết trong thời điểm hiện nay và quan trọng hơn cũng là bảo đảm cho những trái phiếu đã phát hành không tạo ra những rủi ro lớn cho hệ thống tài chính. Đối với tài sản là sản phẩm bất động sản, hoặc quyền tài sản như quyền khai thác, quyền đòi nợ... các trái chủ cần lưu ý tính pháp lý của tài sản, mức độ hoàn thiện, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản. Nếu cần thiết, trái chủ và tổ chức phát hành có thể chọn phương án thuê tổ chức độc lập định giá làm cơ sở hoán đổi nghĩa vụ nợ trái phiếu bằng tài sản.

Mặc dù đây là giải pháp tháo gỡ cho thị trường hiện nay, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải kiểm soát việc công khai minh bạch thông tin của các doanh nghiệp khi thông báo giãn nợ; thanh tra thường xuyên và đảm bảo tính hợp pháp của việc giãn nợ trái phiếu của của các doanh nghiệp. Cùng với đó giám sát chặt chẽ nghĩa vụ trả nợ trái phiếu sau khi các doanh nghiệp đàm phán với trái chủ thành công.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ngày càng nhiều doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Việc chậm thanh toán trái phiếu đến hạn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng trách nhiệm chính thuộc về tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn, môi giới, đại lý phát hành và nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm trong việc phối hợp với tổ chức phát hành xử lý trái phiếu đến hạn trên tinh thần “hợp tác lợi ích, chia sẻ rủi ro”./.

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra