Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ

Thanh tra công tác quy hoạch và trái phiếu doanh nghiệp là nhiệm vụ chủ yếu trong công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ

Thứ ba, 07/02/2023 12:44
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện nghiêm và đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ về thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp…là nhiệm vụ chủ yếu trong công tác thanh tra đã được Thanh tra Chính phủ xác định tại Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân

Ngày 6/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Nghị quyết nêu rõ, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là:

(1)  Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

(2)  Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

(3)  Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

(4)  Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

(5)  Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

(6)  Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.

(7)  Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

(8)  Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

(9)  Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

(10) Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

(11) Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Đáng chú ý, nhóm giải pháp tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế xác định, năm 2023, sẽ chú trọng củng cố, tăng cường nền kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững.

leftcenterrightdel
 Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ nêu một số nhiệm vụ chủ yếu trong công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; xây dựng thể chế, xây dựng ngành; cải cách hành chính và hợp tác quốc tế. Ảnh: NT

Chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra ngay khi thanh tra

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 18/1/2023, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết; tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm nhằm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu trong công tác thanh tra là: Bám sát và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành, Định hướng thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai công tác thanh tra; tiếp tục đổi mới phương pháp tiến hành thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, bảo đảm tiến độ các cuộc thanh tra.

Triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch; chú trọng thanh tra công tác quản lý nhà nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; thực hiện nghiêm, đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ về thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7/3/2022 về Phiên họp thường kỳ tháng 2/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022 về phiên họp thường kỳ tháng 8/2022 của Chính phủ, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Các Vụ I, II, III, Cục I, II, III thuộc Thanh tra Chính phủ được yêu cầu tập trung triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch; thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm và thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ giao. Qua thanh tra phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra ngay khi thanh tra; phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra