Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa phát triển

Thứ sáu, 04/11/2022 11:01
(ThanhtraVietNam) - Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được xem là kênh dẫn vốn trái phiếu giúp cho doanh nghiệp có kênh huy động vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để có thể đầu tư vào hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh dài hạn, giúp nền kinh tế phát triển…

Đa dạng hóa nguồn vốn huy động, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống

Đối với nền kinh tế hiện nay, có 3 nguồn huy động vốn chủ yếu là vốn tín dụng ngân hàng, vốn cổ phiếu và vốn trái phiếu. Vốn tín dụng ngân hàng tập trung vào vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng thương mại. Việc cung ứng vốn trung và dài hạn qua kênh ngân hàng thương mại sẽ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng khi chủ yếu huy động vốn ngắn hạn mà cho vay trung và dài hạn.

Trong khi đó, vốn cổ phiếu, có thể là vốn dài hạn nhưng lại liên quan đến vấn đề pha loãng quyền kiểm soát của chủ doanh nghiệp, làm việc quản trị doanh nghiệp trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Mặt khác, thị trường TPDN phát triển cũng có ý nghĩa chia sẻ cơ hội kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp cho các nhà đầu tư, giúp phát triển nền tảng nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đa dạng hơn.

Từ năm 2017, chúng ta đã bắt đầu phát triển thị trường TPDN phù hợp với chủ trương phát triển vốn cân bằng với thị trường tín dụng, dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Việc phát triển kênh trái phiếu một mặt giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, giảm phụ thuộc vào tín dụng truyền thống; mặt khác, thị trường đã mở ra kênh đầu tư hấp dẫn hơn thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư cũng như tổ chức, từ đó nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.

Giới chuyên gia đánh giá, sau 5 năm, tuy thị trường đã ghi nhận những bước phát triển vượt bậc, nhưng quy mô thị trường TPDN trên GDP tại Việt Nam đang thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực; như Malaysia khoảng 50 - 60%, Singapore gần 40%, Thái Lan ở mức 30%, trong khi đó Việt Nam chỉ khoảng 15% GDP. Điều đó cho thấy thị trường TPDN của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7% đến năm 2030. Không những vậy, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung dài hạn (ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 - 1.000.000 tỷ đồng vốn trung dài hạn).

Bên cạnh đó, GDP của Việt Nam đang ở “top đầu” trong khối ASEAN, trong khi đầu năm 2022, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP. Điều này đòi hỏi yêu cầu phát triển kênh dẫn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình vận hành thị trường TPDN, một số bất cập có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường. Đơn cử như, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn bằng mọi giá dù tình hình tài chính còn yếu; nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định để thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ; một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa tuân thủ quy định pháp luật, hợp thức hóa hồ sơ chào bán hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.

Xử lý pháp luật để môi trường đầu tư bớt rủi ro, trở nên lành mạnh, minh bạch

Điều này đã dẫn đến vi phạm nghiêm trọng của một số doanh nghiệp, buộc các cơ quan quản lý phải xử lý pháp luật để đảm bảo thị trường lành mạnh. Việc cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng mạnh tay loại bỏ những “con sâu” đơn lẻ làm xấu thị trường bất động sản, tài chính tuy có tác động mạnh đến thị trường cũng như tâm lý của nhiều nhà đầu tư, nhưng đã giúp môi trường đầu tư bớt rủi ro, trở nên lành mạnh, minh bạch hơn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty TAT LAW FIRM, thị trường trái phiếu đang ấm dần lên trong bối cảnh Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ nhằm minh bạch hoá thị trường. Nhiều vụ sai phạm cũng đã và đang được xử lý, điển hình như vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, và mới đây là vụ việc liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Đặc biệt, vừa qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/NĐ-CP/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế chính thức có hiệu lực. Việc ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là một điểm tích cực đối với thị trường vốn trong dài hạn.

Còn theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn lên tới hơn 142.000 tỷ đồng, lượng phát hành thêm còn khá nhỏ. Mặt khác, các tổ chức cũng đã sẵn sàng áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP trong giai đoạn mới. Điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực đáo hạn vào cuối năm mà còn có cơ hội đưa giai đoạn phục hồi của thị trường trái phiếu đến sớm hơn.

Hiệp hội này dự báo, thị trường trái phiếu sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là năm 2023 khi thị trường được “hâm nóng” lại khi cơ quan quản lý đang có những điều chỉnh để thị trường hướng tới minh bạch và an toàn hơn, lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được củng cố, nâng cao, và ngày càng phát triển bền vững hơn.

Tuy vậy, để thị trường TPDN phát huy tốt nhất vai trò của mình, có nhiều vấn đề cần phải làm như việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng các tổ chức định mức tín nhiệm, hoàn thiện kết cấu thị trường, tạo lập đường cong lãi suất chuẩn…, và quan trọng hơn cả là xây dựng niềm tin với nhà đầu tư.

Đồng thời cần trang bị thêm những thông tin cơ bản để nhà đầu tư hiểu rõ hơn, từ đó vững tâm và tin tưởng vào tương lai, đặc biệt là sau khi Chính phủ có các động thái nhằm giúp thị trường trái phiếu phát triển ổn định và lành mạnh là rất cần thiết. Nhà đầu tư cần đi sâu vào tình hình hoạt động, phân tích tình hình dòng tiền của doanh nghiệp, xem khả năng chi trả trái phiếu của doanh nghiệp, rủi ro về pháp lý của các dự án.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội hóa XV đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ cho rằng, để khơi thông dòng vốn giúp cho phục hồi và phát triển kinh tế cần sớm có giải pháp phục hồi, phát triển thị trường TPDN. Theo Đại biểu, giai đoạn vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, cơ bản giải quyết được những bất cập trước đây. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có ngay các động thái để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư đã bị mất trong thời gian vừa qua để khôi phục sớm lại thị trường này nhằm cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Cũng trong Kỳ họp, giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về TPDN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các Nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng là tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất kinh doanh./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra