Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 đặt mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công thương.
Đồng thời, phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao một bước năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2030 là hầu hết các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần. Trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ nêu rõ tại Nghị quyết số 97/NQ-CP.
Một là, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Ban hành quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn nhà nước; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các thiết chế hiện có để hỗ trợ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…). Đồng thời, nghiên cứu ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, kiên quyết thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020; Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020; Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 theo tiến độ, lộ trình được phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng cơ chế thị trường, thực hiện lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đặc biệt, nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước.
Tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thúc đẩy gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán. Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho mục đích chi đầu tư phát triển, không sử dụng chi thường xuyên.
Đối với các công ty nông, lâm nghiệp, triển khai sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị khóa XI. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước xây dựng phương án cơ cấu lại doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.
Hai là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước thật sự vận hành theo cơ chế thị trường
Cùng với việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế và một số Nghị định về quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước; quy định về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước… Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm túc Luật Đấu thầu, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu, chỉ áp dụng đối với dự án về quốc phòng và an ninh quốc gia hoặc dự án có tính đặc thù riêng.
Mặt khác, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước
Trong đó, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Xây dựng quy định xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn. Thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, Nghị định nêu rõ, phải ban hành cụ thể, rõ ràng quy định việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức. Cùng với đó, sắp xếp, tinh gọn và nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy, biên chế của doanh nghiệp nhà nước.
Bảo đảm tính minh bạch, công khai của doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm giải trình của người quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn của Nhà nước, chi phí, kết quả kinh doanh, phân phối lợi nhuận, công tác cán bộ, các giao dịch lớn, giao dịch với người có liên quan đến người quản lý, tài sản và thu nhập của người quản lý theo các chuẩn mực quốc tế và quy định của pháp luật.
Nghiên cứu tiêu chí đánh giá, bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước
Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước về các mặt: Tổ chức, thành lập, gia nhập, tổ chức lại, giải thể, thay đổi cơ cấu sở hữu, thực hiện điều lệ, tình hình tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; việc thực hiện mục tiêu, phương hướng, chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính; tình hình, kết quả và hiệu quả kinh doanh, tình hình và kết quả hoạt động tài chính…
Năm là, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán về kết quả thanh tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được phê duyệt. Đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện.
Sáu là, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp tại doanh nghiệp nhà nước
Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình hành động của bộ, ngành trung ương, địa phương đến năm 2020 và năm 2030, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của kế hoạch hàng năm theo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII và Phụ lục các đề án nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW ban hành kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ; đồng thời chỉ đạo, triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Có thể nói, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017 của Chính phủ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Với vai trò là những doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước đã cung cấp nhiều sản phẩm cho kinh tế vĩ mô và có nhiều đóng góp trong việc bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến ngày 15/11/2018, Ủy ban đã tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ 5 Bộ.
Tại thời điểm 31/12/2018, vốn và tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty tại thời điểm tiếp nhận như sau: Tổng tài sản hợp nhất là 2.361.418 tỷ đồng (công ty mẹ là 1.737.803 tỷ đồng), chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.042.470 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước là 210.430 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2018.
Giai đoạn 2016-2020 đối với công ty mẹ - 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt 3.821.579 tỷ đồng (bình quân đạt 764.315 tỷ đồng/năm). Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 285.608 tỷ đồng (bình quân đạt 57.121 tỷ đồng/năm). Thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 347.031 tỷ đồng (bình quân đạt 69.406 tỷ đồng/năm). Tổng nộp ngân sách của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban bình quân năm giai đoạn 2016-2020 duy trì tỉ trọng gần 15% tổng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động, nhưng các tập đoàn, tổng công ty đã duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt kết quả đáng ghi nhận. Tổng hợp kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của Công ty mẹ - 19 tập đoàn, tổng công ty là tổng doanh thu đạt 99% kế hoạch (821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020). Tổng lợi nhuận trước thuế vượt 70% kế hoạch (34.179 tỷ đồng, bằng 93% so với năm 2020). Tổng nộp ngân sách vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2020).
|