Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Thứ tư, 01/06/2022 14:16
(ThanhtraVietNam) - Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”. Theo Quyết định này, mục tiêu là thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

leftcenterrightdel

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Cơ cấu hợp lý doanh nghiệp nhà nước

Theo Đề án của Chính phủ, các nhiệm vụ cần phải thực hiện trong quá trình cơ cấu lại DNNN đó là:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN phù hợp với vị trí, vai trò và mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với việc hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để phù hợp với tiêu chí tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN: Sắp xếp lại doanh nghiệp; nâng cao năng lực tài chính; đổi mới công tác quản trị, công nghệ; đổi mới tổ chức, quản lý nguồn nhân lực; cơ cấu sản phẩm, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo đó, rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan.

Thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, đề án đã đưa ra 9 giải pháp cụ thể như sau:

(1) Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện. (2) Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại DNNN. (3) Tập trung hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2016-2020. Nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật và cơ chế thị trường trong cổ phần hoá, thoái vốn; không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản. (4) Để nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN cần thực hiện các việc sau: Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020; rà soát, xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. (5) Xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp. (6) Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định. (7) DNNN thực hiện nghiêm túc quy định về minh bạch, công khai thông tin hoạt động. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. (8) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành. (9) Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình cơ cấu lại DNNN từ việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện, giám sát quá trình cơ cấu lại theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp đến năm 2020

Ngày 10/7/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg, phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020, trong đó, nêu rõ 05 phương án phân loại, sắp xếp doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020 như sau:

Thứ nhất: các doanh nghiệp SCIC thực hiện cổ phần hóa và bán vốn gồm 05 công ty, trong đó 04 công ty 100% vốn nhà nước (Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến Đá An Giang, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển HPI, Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê, TNHH MTV In thống kê Thành phố Hồ Chí Minh) và 01 công ty 90% vốn nhà nước là Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền. Hầu hết các công ty này đều thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017, 2018 và thực hiện bán hết phần vốn nhà nước sau cổ phần hóa. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến Đá An Giang và Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển HPI nắm giữ 51% sau cổ phần hóa.

Thứ hai: các doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư, nắm giữ là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) là DN 100% vốn do SCIC thành lập năm 2012, nằm trong danh sách doanh nghiệp nắm giữ lâu dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1787/TTg-DMDN ngày 08/10/2015, SCIC tiếp tục đầu tư, nắm giữ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập tại Công văn số 680/TTg-ĐMDN ngày 23/5/2012 và Công ty cổ phần Viễn thông FPT với 50,16% tỷ lệ vốn nhà nước.

Thứ ba: Doanh nghiệp SCIC bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 132 doanh nghiệp, trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty cổ phần phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên, đây là công ty có tỷ lệ vốn nhà nước cao nhất với 99%.

Thứ tư: Doanh nghiệp SCIC xử lý theo phương thức đặc thù khác như ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, tuyên bố phá sản đối với các công ty hoạt động không hiệu quả.

Thứ 5: Doanh nghiệp SCIC chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 gồm có 04 công ty, đó là Công ty CP Đầu tư Việt Nam -  Oman; Công ty CP Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam; Công ty CP Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp nhận về SCIC từ năm 2017, SCIC thực hiện phân loại dựa trên tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg và thực hiện triển khai tái cơ cấu; các doanh nghiệp trong danh mục bán vốn nhà nước của SCIC giai đoạn 2017-2020 (Phụ lục 3) và các doanh nghiệp nêu tại điểm 2 phần II điều này, Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng thành viên SCIC chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện bán vốn nhà nước đạt hiệu quả, đảm bảo theo quy định của pháp luật và Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC.

Tiếp tục cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, ngày 17/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”, cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối DNNN, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Việc cơ cấu lại phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu.

Ngoài ra, Đề án cũng đặt mục tiêu củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Cùng với đó, phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần), DNNN.

Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2021 - 2025 tập trung triển khai thực hiện 05 giải pháp chính gồm: Tiếp tục cơ cấu lại DNNN; hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN; nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại DNNN. Đồng thời, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đảm bảo thực hiện báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm theo đúng quy định.

Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 đặt trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Theo đó, nội dung Đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gồm: Tình hình doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020; mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 của doanh nghiệp; định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025./.

TB
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra