Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết An Giang:

Đầu tư không hiệu quả, 6 năm thoái vốn không thành công, chi phí thực hiện cao hơn cả giá trị đầu tư

Thứ ba, 20/08/2024 15:47
(ThanhtraVietNam) - Sau khi đầu tư mua cổ phần của Công ty Afiex không đạt hiệu quả, từ năm 2018 đến tháng 2/2024, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết An Giang đã 4 lần thực hiện thoái vốn nhưng không thành công vì sao?

Đầu tư mất vốn góp 10 tỷ, nợ khó thu hồi 56 tỷ đồng

Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xổ số

Kết luận thanh tra số 76/KL-TTr của Thanh tra Bộ Tài chính nêu rõ, trong năm 2011, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết An Giang (Công ty XSKT An Giang) đã đầu tư mua cổ phần tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Công ty Afiex) trên 30 tỷ đồng, tương ứng khoảng 3 triệu cổ phiếu, chiếm 8,63% vốn điều lệ Công ty Afiex. Đến năm 2023, Công ty XSKT An Giang phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn số tiền hơn 3,3 tỷ đồng do giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán thấp hơn giá trị đầu tư.

Thực hiện theo Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 29/05/2018 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Công ty TNHH MTV xổ số Kiến thiết An Giang giai đoạn 2016-2020, từ năm 2018 đến tháng 2/2024, Công ty đã 04 lần tổ chức chuyển nhượng khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, nhưng không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký mua, với tổng chi phí không bao gồm thuế GTGT phát sinh hơn 716 triệu đồng.

Theo Thanh tra Bộ, nguyên nhân là do Công ty XSKT An Giang đã xác định giá khởi điểm bán cổ phần tại Công ty Afiex là 19.838 đồng/cổ phần, trong khi giá trị thị trường tại sàn giao dịch chứng khoán giao động từ 8.600 đồng/cổ phiếu đến 9.400 đồng/cổ phiếu, không đảm bảo nguyên tắc thị trường dẫn đến không thoái được vốn.

leftcenterrightdel
Công ty XSKT An Giang thực hiện thoái vốn không hiệu quả, chi phí thoái vốn cao hơn giá trị đầu tư. Ảnh: cafef.vn 

Bên cạnh đó, năm 2000, Công ty XSKT An Giang cũng đầu tư 500 triệu góp vốn thành lập Công ty TNHH Phát Tài (này là Công ty cổ phần Phát Tài), tương ứng 50.000 cổ phần, chiếm 2,76% vốn điều lệ.

Thực hiện công văn số 5218/VPUBND-KTTH ngày 15/10/2019 của Văn phòng UBND tỉnh An Giang về việc thực hiện kiến nghị Kiểm toán Nhà nước về ngân sách địa phương 2018, từ năm 2020 đến 2023, Công ty đã 03 lần tổ chức chuyển nhượng khoản đầu tư trên, tuy nhiên không chuyển nhượng được khoản đầu tư do không có nhà đầu tư tham gia.

Theo Kết luận thanh tra, nguyên nhân là do Công ty XSKT An Giang thực hiện bán cổ phần với giá khởi điểm là 35.821 đồng/cổ phần căn cứ vào Chứng thư Thẩm định giá số 0419/2023/CT TTG-ROI ngày 30/6/2023 của Công ty TNHH Thẩm định giá và Tư vấn EOI - Việt Nam, cao hơn mệnh giá tại thời điểm đầu tư là 10.000 đồng/cổ phần. Đáng chú ý, Thanh tra Bộ nhấn mạnh, chi phí thoái vốn không thành công là hơn 530 triệu đồng, trong khi giá trị vốn đầu tư ban đầu là 500 triệu.

Ngoài ra, cuối năm 2023, Công ty XSKT An Giang có 1.024 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi tại ngân hàng, trong đó tiền mặt 97 triệu đồng, tiền gửi không kỳ hạn 51,2 tỷ đồng, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng 380 tỷ đồng, tiền gửi kỳ hạn 12 tháng 593 tỷ đồng; lãi suất tiền gửi 3,2-10,2 %/năm. Công ty gửi tiền tại 14 tổ chức tín dụng và Chi nhánh tổ chức tín dụng, gồm 105 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với tổng số tiền 973 tỷ đồng, mức lãi suất 3,2%/năm đến 10,2%/năm tùy vào thời điểm gửi.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Công ty XSKT An Giang chưa xây dựng các quy chế quản lý nội bộ liên quan đến tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, quy trình lựa chọn tổ chức tín dụng để gửi tiền như: quy định các tiêu chí đánh giá về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự trữ thanh khoản, huy động vốn... Định mức tồn tiền mặt, tiền gửi có quy định nhưng không phù hợp dẫn đến tại nhiều thời điểm lượng tồn dư tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn còn lớn.

Từ những vi phạm đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch Công ty XSKT An Giang bổ sung các điều kiện còn thiếu trong các Hợp đồng gia công in vé số đảm bảo theo quy định của pháp luật; Ban hành quy chế cụ thể về việc lựa chọn ký hợp đồng đại lý đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và hiệu quả theo quy định.

Khẩn trương ban hành các quy chế nội bộ để quản lý sử dụng vốn tại doanh nghiệp bao gồm Quy chế quản lý hàng tồn kho, các định mức hàng tồn kho, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu; Quy chế quản lý tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, định mức tồn tiền mặt, tiền gửi; quy trình lựa chọn tổ chức tín dụng để gửi tiền theo quy định. Rà soát, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ, tránh để tình trạng dư thừa vốn nhiều gửi ngân hàng.

Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với khoản đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp của Công ty; Rà soát việc thoái vốn các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không hiệu quả, không khả thi, chi phí thoái vốn chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại Công ty. Đồng thời, có những giải pháp kinh doanh, cơ cấu lại vốn nhà nước theo lộ trình thoái vốn nhà nước tại Công ty nhằm đảm bảo sử dụng vốn nhà nước có hiệu quả, tránh khả năng mất vốn của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, chỉ đạo xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân từng thời kỳ, có biện pháp chấn chỉnh việc quản lý bù hao giấy in chưa sát với tình hình thực tế; việc chưa xây dựng các quy chế nội bộ về tiền mặt, tiền gửi, để lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tại nhiều thời điểm còn cao dẫn đến chưa phát huy hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp./.

Bảo San

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra