UBND TP Hà Nội yêu cầu hoạt động giám sát tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Đảm bảo việc đánh giá đầy đủ các nội dung giám sát tài chính tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND Thành phố thành lập hoặc được giao quản lý. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện giám sát tài chính; tránh sự trùng lặp, chồng chéo và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giám sát tài chính.
|
|
Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội. Ảnh: tienphong.vn |
Cơ quan thực hiện giám sát tài chính gồm: Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Sở LĐ,TB&XH, Sở NN&PTNT, Cục Thuế thành phố và các sở, ngành chức năng liên quan. Cơ quan tổng hợp kết quả là Sở Tài chính. Đối tượng giám sát tài chính là các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND thành phố thành lập hoặc được giao quản lý.
Cơ quan chức năng sẽ giám sát tài chính tại 22 đơn vị, trong đó có 8 công ty (Cty) mẹ gồm: Tổng Cty Vận tải Hà Nội, Tổng Cty Du lịch Hà Nội; Cty TNHH MTV nước sạch Hà Nội; Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội; Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội; Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội; Cty TNHH MTV chiếu sáng và thiết bị đô thị.
Trong danh sách giám sát cũng nêu 14 đơn vị là Cty TNHH một thành viên độc lập, gồm: Cty TNHH Xổ số kiến thiết Thủ đô; Cty TNHH MTV Nhà xuất bản Hà Nội; Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội; Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Cty TNHH MTV Công viên Thống Nhất; Cty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội; Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy; Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ; Cty TNHH MTV Thuỷ lợi sông Tích; Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu, Du lịch và đầu tư Hồ Gươm; Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
Mục đích của Kế hoạch nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh; việc tuân thủ quy định về phạm vi, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc giám sát cũng sẽ giúp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện công khai minh bạch tình hình tài chính của doanh nghiệp.