Nhiều kết quả tích cực trong quản lý và kinh doanh vốn nhà nước tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thứ tư, 31/08/2022 14:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn liên quan đến đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế của đất nước. Bằng sự nỗ lực không ngừng, khắc phục mọi khó khăn, EVN đã tranh thủ được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng điện cho sinh hoạt của Nhân dân và sản xuất kinh doanh, đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về sản xuất và cung ứng điện: Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020;  trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27,0%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Năm 2021, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 43.518MW, tăng 11,3%. Điện sản xuất và mua của EVN là 246,21 tỷ kWh, tăng 3,25% so với năm 2020. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán điện toàn Tập đoàn ước đạt 219.096 tỷ đồng, tăng 5,28% so cùng kỳ năm 2021. Giá trị nộp ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: EVN

Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn điện. Các nhà máy thủy điện đã thực hiện tốt công tác điều tiết lũ, đảm bảo phát điện, đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù phụ tải thực tế thấp hơn nhiều so với dự báo, Tập đoàn vẫn đảm bảo vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh (VWEM) liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 nhà máy điện tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất đạt toàn hệ thống.

Về công tác dịch vụ khách hàng, EVN và các đơn vị tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cung ứng dịch vụ điện, đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ, đã sửa đổi bổ sung Quy trình kinh doanh và giảm thời gian tiếp cận điện năng theo Nghị quyết của Chính phủ. Cụ thể, EVN đẩy mạnh thu tiền điện không dùng tiền mặt (đạt gần 95%), triển khai các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QRCode, Mobile Money. Tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử toàn EVN đạt 97,89% (tăng 20,32% so với năm 2020)…

Với đặc thù ngành Điện là ngành hạ tầng cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế không được phép để xảy ra tình trạng gián đoạn cung cấp điện, EVN và các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong năm 2021, EVN tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 3, 4, 5 cho các đối tượng: Cơ sở lưu trú du lịch; Cơ sở phục vụ phòng chống dịch Covid-19, khách hàng sinh hoạt tại 21 tỉnh thành phố và các đơn vị cấp huyện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; Các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và rau quả; Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tổng số tiền giảm giá điện khoảng 3.000 tỷ đồng. 

Thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện

EVN đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. Dù tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất rừng, thu xếp vốn, giá vật tư, vật liệu tăng cao và giãn cách do dịch Covid-19, Tập đoàn và các đơn vị rất nỗ lực và có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nên đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 như: Đưa vào vận hành NMTĐ Thượng Kon Tum (220MW) và NMTĐ Đa Nhim MR (80MW); Hoàn thành cụm công trình cửa xả dự án TĐTN Bắc Ái. Khởi công 03 dự án nguồn điện gồm: NMTĐ Hòa Bình MR (480MW), NMTĐ Ialy MR (360MW) và NMNĐ Quảng Trạch I (1.200MW). Khởi công 198 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 110-500kV.

6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị khối lượng vốn đầu tư của EVN thực hiện ước đạt 37.300 tỷ đồng, bằng 38,65% so với kế hoạch. Đối với các dự án nguồn điện, EVN đã khởi công 02 dự án Điện mặt trời (Phước Thái 2, 3); tập trung thi công theo tiến độ các dự án Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I; chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng để phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC, đảm bảo khởi công dự án NĐ Ô Môn IV phù hợp với tiến độ khí Lô B. Tiếp tục thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Thủy điện Trị An mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn 3, Nhiệt điện Quảng Trạch II, Nhiệt điện Dung Quất I, III. Đối với các dự án lưới điện: 6 tháng đầu năm, EVN và các đơn vị đã thực hiện khởi công 54 công trình và đóng điện 44 công trình, đạt lần lượt 54% và 49% so với kế hoạch quý 1 và quý 2 (khởi công 100 công trình và đóng điện 89 công trình). Trong đó, đã hoàn thành một số dự án quan trọng như: Đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín, TBA 220kV nối cấp trong trạm 500kV Phố Nối, Nhánh rẽ 220kV số 2 TBA 500kV Đức Hòa, ĐD 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi; hoàn thành đóng điện đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương...

EVN cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo. EVN đã hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Lai Châu, triển khai thủ tục đầu tư dự án Cấp điện huyện Côn Đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm. Các Tổng Công ty Điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng để cấp điện cho 15.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Cà Mau... Tính đến cuối năm 2021, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,45%. Giá trị giải ngân vốn đầu tư toàn Tập đoàn đạt 88.214 tỷ đồng, bằng 90,83% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn đầu tư thuần đạt 48.458 tỷ đồng, bằng 84,8% kế hoạch.

Về công tác đấu thầu, EVN tiếp tục được Bộ KH&ĐT đánh giá dẫn đầu cả nước và tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị gói thầu so với các năm trước. Các đơn vị dẫn đầu về đấu thầu qua mạng gồm EVNHCMC, EVNSPC, EVNCPC và EVNHANOI. EVN cũng đã thực hiện các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thu xếp vốn cho các dự án, trong đó đã ký kết các hợp đồng tín dụng vay vốn nước ngoài không bảo lãnh Chính phủ cho các dự án NMTĐ Ialy MR (74,7 triệu EUR), Hòa Bình MR (70 triệu EUR); vay vốn VCB với giá trị 27.100 tỷ đồng cho dự án NĐ Quảng Trạch I. Giải quyết thủ tục gia hạn, điều chỉnh danh mục và sử dụng vốn dư từ các dự án vay vốn ODA đang triển khai thực hiện với tổng giá trị vốn dư khoảng 440 triệu USD.

Không ngừng chuyển đổi số trong Tập đoàn

Tập đoàn đã thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 với 45 nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, 39 nhiệm vụ về quản lý. Kết quả là: Trong 39 nhiệm vụ quản lý, đã hoàn thành 04 nhiệm vụ, 12 nhiệm vụ đã hoàn thành trên 50% khối lượng. Trong 45 nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ: có 05 nhiệm vụ hoàn thành, 26 nhiệm vụ hoàn thành trên 50% khối lượng. Trong đó lĩnh vực quản trị nội bộ hoàn thành 74%, lĩnh vực ĐTXD hoàn thành 62%, lĩnh vực Sản xuất đạt 69%; lĩnh vực KD&DVKH đạt 90%; Lĩnh vực VT&CNTT 50%. Năm 2021, EVN nhận được giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam, đây là năm thứ ba liên tiếp EVN nhận được giải thưởng này.

Tích cực bảo toàn vốn nhà nước, kinh doanh có lãi

EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng (bằng 100,2% so với năm 2020), trong đó vốn chủ sở hữu là 255.000 tỷ đồng (tăng 6,2% so với năm 2020). Kết quả hoạt động SXKD của Công ty mẹ EVN và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận. Giá trị nộp ngân sách năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 22.440 tỷ đồng.

Về đầu tư vốn vào các CTCP: Tổng giá trị góp vốn của EVN tại 08 CTCP (EVNGENCO2&3, PECC1,2,3,4; EEMC; VTEC) là 23.788,8 tỷ đồng, tăng 596,96 tỷ đồng so với năm 2020. Các CTCP có kết quả SXKD tốt, 07/08 CTCP có lợi nhuận, riêng VTEC đang lỗ lũy kế do đang trong giai đoạn triển khai dự án. Giá trị cổ tức EVN thu về trong năm 2021 là 575,85 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt và 590,49 tỷ đồng cổ tức bằng CP.

Nỗ lực sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn

Thời gian qua, Tập đoàn đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn (UBQLV) Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (ĐMDN) của EVN giai đoạn 2021-2025, Đề án thành lập Trung tâm Đào tạo và NCKH; Điều lệ EVN sửa đổi, bổ sung theo Luật Doanh nghiệp... Đã tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, ngành và hoàn thiện Đề án chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV. Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển EVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 01/4/2021. Tổ chức triển khai thực hiện: (i) Đề án nâng cao năng lực Quản trị doanh nghiệp trong Tập đoàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; (ii) Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025; (iii) Đề án nâng cao năng suất lao động của EVN; (iv) Chương trình tổng thể của EVN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm…

EVN đã thông qua/phê duyệt: (i) Đề án sắp xếp lại các CTĐL/ĐL cấp quận/huyện theo khu vực thành thị, nông thôn, miền núi; (ii) thành lập Ban QLDA tại EVNICT và kiện toàn chức năng nhiệm vụ và điều chỉnh mô hình tổ chức quản lý EVNICT; - Đang chỉ đạo, xem xét để phê duyệt: (i) Rà soát mô hình tổ chức và định biên lao động của EVNNPT; (ii) Rà soát mô hình tổ chức và định biên lao động quản lý gián tiếp của các Tổng công ty Điện lực; (iii) Đề án Mô hình tổ chức theo hướng quản trị tập trung; (iii) Sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động các Tổng công ty.

EVN cũng đã rà soát danh mục thoái vốn, giảm vốn để trình trong Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021-2025. EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có sở hữu chéo theo và thực hiện các giải pháp lành mạnh tài chính, thoái vốn tại các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính. Hiện nay, EVN đã niêm yết và giao dịch chính thức cổ phiếu EVNGENCO3 – CTCP trên sàn giao dịch chứng khoán và đã hoàn thiện hồ sơ quyết toán CPH EVNGENCO3. Đang thực hiện báo cáo các cấp có thẩm quyền về hồ sơ quyết toán đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2). Bên cạnh đó, EVN đã báo cáo và được chấp thuận điều chỉnh thời điểm XĐGTDN đối với công tác CPH Công ty mẹ - EVNGENCO1.

Để đảm bảo sự phát triển ổn định của một ngành sản xuất kinh doanh đặc biệt, EVN hết sức coi trọng công tác thanh kiểm tra, giám sát. Năm 2021, công tác kiểm tra, thanh tra và phòng, chống tham nhũng của EVN bám sát yêu cầu và nhiệm vụ công tác, tập trung vào các lĩnh vực công tác trọng tâm, trọng điểm. Qua thanh tra, kiểm tra đã đánh giá, kết luận về các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện các lĩnh vực công tác, kiến nghị kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót; Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chế quản lý nội bộ cho phù hợp với thực tế quản lý, điều hành. Các thiếu sót, tồn tại mà các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện đã được các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Bộ, ngành.

Mặc dù đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận như trên, nhưng EVN cũng gặp không ít khó khăn trong sản xuất, cung ứng điện và đầu tư xây dựng và nhất là trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn, trong đó có sự thay đổi của pháp luật tại thời điểm đang thực hiện các bước của quá trình cổ phần hóa. Đối tượng các đơn vị cổ phần hóa của EVN hầu hết là có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, giá trị tài chính nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Bên cạnh đó, chưa có các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, năng lực quản trị tham gia. Ngoài ra, thị trường không thuận lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, không thu hút được các nhà đầu tư, dẫn đến quá trình IPO GENCO2 chưa đạt như kỳ vọng (năm 2021 chỉ bán được 0,14% vốn tại GENCO2).

Trong thời gian tới, EVN tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống Nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng năm 2022 theo chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, đóng góp có hiệu quả vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra