Những ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả từ sai phạm ở Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc?

Thứ sáu, 10/06/2022 09:00
(ThanhtraVietNam) - Theo Thông báo kết luận thanh tra số 779/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ, nhiều vi phạm, khuyết điểm của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã được chỉ rõ.

Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tiền thân là Nhà máy sản xuất phân đạm được xây dựng từ năm 1960 tại tỉnh Bắc Giang. Ngàỵ 01/01/2016, Công ty hoạt động theo mô hình cổ phần, với tên Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Công ty đạm Hà Bắc). Công ty đạm Hà Bắc là doanh nghiệp có thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất, trong đó sản phẩm Urê của Công ty chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng doanh thu; giai đoạn 2012-2014 hoạt động sản xuất kinh doanh đều có lãi; bảo toàn được vốn, đảm bảo việc làm và thu nhập ốn định cho ngườỉ lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Năm 2015-2016, Công ty đã tiếp cận, vận hành dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới. Nhà máy cơ bản vận hành ổn định, các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ đáp ứng yêu cầu. Đến năm 2020, Công ty đạm Hà Bắc có phần vốn, tài sản nhà nước chiếm 97.66 %  và do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý.

Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, tài sản của Công ty; trong đầu tư Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Thông báo Kết luận thanh tra số 779/TB-TTCP ngày 25/5/2020 như sau:

Vi phạm pháp luật về đấu thầu, dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Trong đấu thầu lựa chọn Nhà thầu tư vấn lập dự án, mặc dù đã mở thầu nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn chấp nhận cho liên danh Nhà thầu WEC-CECO bổ sung Giấy ủy quyền tham dự thầu và bổ sung Giấy đăng ký kinh doanh (có công chứng) đã vi phạm quy định tại Điều 17, Nghị định 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2005.

Khi nghiệm thu hồ sơ, tài liệu Dự án do Nhà thầu WEC-CECO lập, Nhà thầu cung cấp thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ cơ sở đế xác định tổng mức đầu tư (TMĐT) của Dự án (thiếu thỏa thuận với nhà chế tạo về giá thiết bị chính mà Dự án sẽ sử dụng, thiếu tài liệu tính toán chi tiết vốn đầu tư cho từng hạng mục công trình, cho thiết bị chính, thiếu báo giá chi phí bản quyền công nghệ, thiếu văn bản xác nhận tính khả thi của công nghệ...) đã vi phạm Hợp đồng số 02/HĐ-XD-ĐHB ngày 25/6/2007 nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho Nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký.

Phát sinh chi phí 3,571 tỷ đồng so với Dự toán ban đầu, do vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu trong lựa chọn Nhà thầu tư vấn lập dự án, TMĐT của dự án được xác định không có căn cứ, cơ sở, không sát thực tế, là nguyên nhân chính dẫn đến sau này Công ty đạm Hà Bắc không chọn được nhà thầu EPC từ đó phát sinh chi phí. Hơn nữa, phải điều chỉnh dự án, đấu thầu lại làm tăng chi phí đầu tư, mất cơ hội khi giá đạm tăng cao, phải bổ sung 10% thuế GTGT thiết bị nhập khẩu, chịu ảnh hưởng giá than tăng cao, chênh lệch tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân dẫn đến Dự án thua lỗ.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã khẳng định có dấu hiệu hình sự trong đấu thầu (theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 về vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng).

Cụ thể, trong thẩm định, phê duyệt Dự án năm 2008 (lần 1), có những vi phạm: Tổng công ty Hóa chất Việt Nam chỉ thẩm định TMĐT dự án, không thẩm định các nội dung khác của Dự án là vi phạm quy định tại Khoản 5, Điều 1, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ; mặc dù, TMĐT của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định nhưng vẫn được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thẩm định phê duyệt (tại QĐ số 212/QĐ-HCVN ngày 19/3/2008 là 392,375 triệu USD) là thiếu căn cứ, cơ sở. Dự án đầu tư bằng ngoại tệ, nhưng thẩm định, phê duyệt dự án không phân tích ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá… quyết định phê duyệt Dự án đầu tư khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định của pháp luật về môi trường (Dự án phê duyệt ngày 19/3/2008, tuy nhiên đến ngày 1/4/2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có quyết định số 746 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án. UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty với số tiền là 350.000.000 đồng).

Trong lập dự án điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh năm 2009 có những vi phạm: Công ty đạm Hà Bắc không đủ điều kiện, không đủ năng lực nhưng vẫn tự lập Dự án điều chỉnh và được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thẩm định, phê duyệt là không đúng quy định về quản lý xây dựng. Mặc dù, Dự án không thay đổi về quy mô, công suất, khi thẩm định điều chỉnh dự án, TMĐT dự án, trong đó có một số nội dung về chi phí thiết bị chưa được làm rõ (đã được Ban ĐTXD Tổng Công ty nêu trong Báo cáo kết quả thẩm định) nhưng vẫn được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án tại QĐ số 427/QĐ-HCVN ngày 20/10/2009’ với TMĐT (điều chỉnh) là 568,646 triệu USD, tăng 176,271 triệu USD (tăng 44,9%) là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về ĐTXD.

Đáng chú ý là, năm 2008 khi thẩm định TMĐT dự án (392,375 triệu USD), Tổ thẩm định đã nêu: Dự án sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư tăng 20% hoặc giá Urê giảm 8%. Tuy Dự án không thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất nhưng khi điều chỉnh dự án năm 2009 thì TMĐT của dự án tăng 44,9% so với TMĐT phê duyệt năm 2008, ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả dự án nhưng chưa được phân tích đánh giá, làm rõ trong quá trình điều chỉnh dự án.

Tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí SX-KD là một trong nguyên nhân chính dẫn đến Dự án thua lỗ.

Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi của người có chức vụ trong cơ quan, tổ chức do vô ý không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng.)

Cụ thể: Dự án khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; trong quá trình thi công, một số tiêu chuẩn thi công, một số hạng mục phụ về môi trường chưa hoàn thành; các nhà thầu trong liên danh không thực hiện đúng tỷ lệ công việc đã thỏa thuận trong Liên danh nhà thầu.

Dự án chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân chủ yếu do phải điều chỉnh dự án, tổ chức đấu thầu lần 2 lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC, công tác giải phóng mặt bằng chậm (mặc dù Bộ Xây dựng đã có ý kiến về việc Chủ đầu tư cần xem xét kỹ về điều kiện thực tế của vị trí xây dựng dự án, nhưng Công ty đã không tổ chức khảo sát kỹ khi lập Báo cáo đầu tư....; bên cạnh đó, còn do công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án của địa phương tỉnh Bắc Giang chậm).

Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của Hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của Dự án chưa được quyết toán.

Tổng mức đầu tư của dự án là 568,646 triệu USD, tỷ lệ vốn tự có của Công ty tham gia Dự án chỉ chiếm 17,9% TMĐT, còn lại chủ yếu là vốn vay chiếm 82,1%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.

Thua lỗ kéo dài nhiều tỷ đồng

Bên cạnh Dự án đầu tư cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, hoạt động đầu tư tài chính của Công ty đạm Hà Bắc nhìn chung hiệu quả không cao. Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa Công ty đạm Hà Bắc còn có một số nội dung chưa đúng quy định. Việc Tập đoàn Hóa chất quyết định tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Công ty cổ phần đạm Hà Bắc 97,66% không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ sở hữu từ trên 50% đến dưới 65%), chỉ đạo không xử lý khoản lỗ khi cổ phần hóa Công ty đạm Hà Bắc là không đúng quy định.

Mặc dù năm 2012, 2013, 2014, Công ty đạm Hà Bắc bảo toàn được vốn chủ sở hữu theo quy định. Nhưng từ năm 2015, Công ty thua lỗ, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Đến 31/12/2016, tổng số nợ phải trả và vay ngân hàng của Công ty chiếm 89,7% tổng tài sản và gấp 8,7 lần vốn chủ sở hữu, Công ty mất cân đối dòng tiền, khó khăn về tài chính, nợ quá hạn ngân hàng.

Trong quản lý công nợ bán hàng, chưa quy định cụ thể tỷ lệ, hạn mức công nợ, chưa quy định thời hạn thanh toán và phạt chậm thanh toán; còn trường hợp công nợ phải thu quá hạn chưa được trích lập dự phòng theo quy định; chưa kịp thời thu hồi tiền tạm ứng của Công ty Contrexim - Meco khi chứng thư bảo lãnh tiền tạm ứng hết giá trị, phát sinh nợ khó đòi, tiềm ẩn rủi ro... một số khoản chi phí liên quan đến Hợp đồng EPC chưa được giải quyết dứt điểm, việc quyết toán chi phí đầu tư Dự án đầu tư chậm...

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2012, 2013, 2014, Công ty đạm Hà Bắc hoạt động có lãi, thu nhập của người lao động ổn định... Từ năm 2015 (khi Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy đi vào sản xuất), mặc dù Công ty đạm Hà Bắc đã tăng cường các biện pháp về tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí nhưng hoạt động SX-KD thua lỗ, không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận; năm 2015 lỗ 669.733 triệu đồng; năm 2016 lỗ 1.051.446 triệu đồng, lao động giảm 395 người so năm 2012; tổng quỹ lương năm 2015 giảm 47 tỷ đồng so với năm 2014, năm 2016 giảm 85 tỷ đồng so với năm 2015, thu nhập bình quân người lao động giảm. Tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 779, năm 2017, Công ty đạm Hà Bắc lỗ 661,645 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 332,544 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 lỗ 222,344 tỷ đồng, số lỗ lũy kế đến tháng 6/2019 là 2.887,713 tỷ đồng.

Cần phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý các sai phạm

 Thanh tra Chính phủ nhận định, quá trình triển khai thực hiện Dự án đầu tư cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc đã có vi phạm quy định pháp luật trong tổ chức đấu thầu chọn Nhà thầu tư vấn lập dự án, trong thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, tăng TMĐT dự án thiếu căn cứ, cơ sở, là một trong nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ (số lỗ luỹ kế đến 30/6/2019 là 2.887,713 tỷ đồng), có dấu hiệu hình sự trong đấu thầu lập dự án và thiếu trách nhiệm trong lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, tăng TMĐT dự án gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải được xác minh, điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Hồ sơ điều chỉnh dự án (FS), kết quả thẩm định điều chỉnh dự án nêu: Trong mọi trường hợp thì nếu vốn đầu tư tăng 19%, giá bản Urê có sự biến động giảm từ 8%, giá than nguyên - nhiên liệu tăng 22% dự án sẽ gặp khó khăn.

Thực tế, khi Dự án hoàn thành đi vào sản xuất (từ tháng 4/2015), giá than tăng cao (năm 2015 là 1.932.054 đồng/tấn, tăng 103% so với FS; năm 2016 là 1.833.940 đ/tấn, tăng 93%) so với FS; năm 2017 tăng 105%; năm 2018 tăng 110%); 6 tháng năm 2019 tăng 128%)), (số liệu giá mua than của Tập đoàn Than - TKV). Mặt khác, theo số liệu bán hàng của Công ty, giá bán Urê trong nước năm 2016 giảm 8%, năm 2017 giảm 10% (vượt so với dự báo nêu trong FS, trong kết quả thẩm định điều chỉnh dự án), mặc dù năm 2018 có tăng 2%, đầu năm 2019 tăng 0,33% nhưng giá nguyên liệu than tăng cao, là một trong các nguyên nhân dẫn đến Dự án thua lỗ.

Mặc dù, Công ty đã phấn đấu tiết kiệm chi phí, số lỗ của năm sau thấp hơn năm trước, nhưng hoạt động SX-KD liên tục thua lỗ (năm 2015 lỗ 669,773 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 1.051,446 tỷ đồng); theo báo cáo, năm 2017 lỗ 661,645 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 332,544 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 lỗ 222,344 tỷ đồng), số lỗ lũy kế đến tháng 6/2019 là 2.887,713 tỷ đồng.

Những ai phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm, hậu quả nói trên?

Theo Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, người chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nói trên thuộc về: Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty đạm Hà Bắc; Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Ban Lãnh đạo Công ty đạm Hà Bắc; các đơn vị, phòng, ban, cá nhân có liên quan thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty đạm Hà Bắc. Bên cạnh đó, còn có phần trách nhiệm của Bộ Công thương với trách nhiệm quản lý ngành.

Trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể quản lý, Thanh tra Chính phủ đã có những kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể, kiến nghị xử lý trách nhiệm và chuyển cơ quan điều tra đối với từng tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm liên quan.

(Còn nữa)

Bài 2: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thực hiện trách nhiệm và khắc phục hậu quả sau Kết luận Thanh tra số 539/TB-TTCP


 
  
Minh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra