Vấn đề thâu tóm quyền quản trị trong công ty cổ phần có vốn nhà nước

Thứ sáu, 02/12/2022 09:40
(ThanhtraVietNam) - Hoạt động thâu tóm quyền quản trị trong công ty cổ phần có vốn nhà nước là một vấn đề tương đối nhạy cảm, tuy nhiên, thực tế các vụ án tham nhũng đã chứng minh rằng có biểu hiện của việc một cá nhân nắm giữ quá nhiều quyền lực gây hậu quả nghiêm trọng đến vốn nhà nước cũng như gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem các hành vi biểu hiện “tham nhũng quyền lực” là gì và giải pháp nào để ngăn chặn?

Tại các công ty đại chúng, với đặc trưng là số lượng chủ sở hữu đông đảo, quyền lực quản trị được pháp luật phân chia cho các cơ quan, người quản lý khác nhau, nhằm đảm bảo sự kiểm soát và đối trọng về quyền lực trong bộ máy doanh nghiệp, tránh việc một cơ quan hoặc cá nhân lợi dụng quyền lực quản trị để chi phối các hoạt động quản lý, thao túng những người quản lý khác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cổ đông và của chung công ty.

Đây là một nguyên tắc trong khoa học quản lý và đã được phản ánh thông qua các quy định trong Luật Doanh nghiệp qua từng thời kỳ, cũng như Bộ các nguyên tắc về quản trị công ty được đưa ra bởi G20/OECD.

Nếu nguyên tắc trên không được bảo đảm và tất cả quyền lực tập trung vào một cá nhân trong doanh nghiệp, thì hiện lượng “tham nhũng quyền lực” sẽ xuất hiện. Khi đó, cá nhân không những nắm giữ quyền đại diện cho doanh nghiệp trong các giao dịch với bên thứ ba, mà còn có thể thao túng toàn bộ công tác cán bộ của doanh nghiệp đó thông qua việc giữ quyền bổ nhiệm, miễn, bãi nhiệm và quyết định những vấn đề liên quan đến tiền lương, thưởng của các chức danh quản lý trong doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
"Tham nhũng quyền lực" trong doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ gây thất thoát vốn, ngân sách nhà nước. Ảnh minh hoạ 

Biểu hiện của hành vi “tham nhũng quyền lực”

Hiện tượng cá nhân thâu tóm hay lạm dụng quyền lực trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước biểu hiện thông qua nhiều hành vi, tập trung chủ yếu ở vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), bởi thực tế, với vai trò luật định của giám đốc hay tổng giám đốc, việc thâu tóm quyền lực là rất khó khả thi. Để làm rõ vấn đề này chúng ta cần phải tìm hiểu các biểu hiện của hành vi “tham nhũng quyền lực” trong công ty cổ phần có vốn nhà nước.

Thứ nhất là hành vi thâu tóm toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo điều hành về tay chủ tịch HĐQT. Theo nguyên tắc được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 63, Điều 162) và thông lệ chung, giám đốc hoặc tổng giám đốc mới là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty và phải chịu sự giám sát của HĐQT. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, bản điều lệ công ty được xây dựng theo hướng cho phép chủ tịch HĐQT nắm quyền điều hành các hoạt động kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật, đối với công ty đại chúng, chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc (giám đốc). Do đây là một trong các chức danh quan trọng có vai trò, nhiệm vụ khác nhau trong công ty, nên pháp luật yêu cầu tách bạch về mặt chức năng, thẩm quyền trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại một số công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước, chủ tịch HĐQT thường sử dụng quyền lực của mình để “lách luật” thông qua việc vẫn xây dựng cơ cấu tổ chức chủ tịch HĐQT và giám đốc/tổng giám đốc riêng rẽ cho 2 cá nhân khác nhau, nhưng chủ tịch HĐQT lại lấy quyền điều hành, chỉ đạo điều hành các hoạt động kinh doanh hằng ngày của giám đốc/tổng giám đốc để mình nắm giữ. Giám đốc/tổng giám đốc chỉ được nhận ủy quyền từ chủ tịch HĐQT để thực hiện quyền điều hành mà theo quy định của pháp luật là thuộc về mình.

Ở các doanh nghiệp có chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc/tổng giám đốc hoặc doanh nghiệp mà chủ tịch HĐQT “lách luật” để nắm giữ cả quyền điều hành của giám đốc/tổng giám đốc, thì chức năng trên sẽ không hiệu quả, thậm chí có thể bị vô hiệu hóa bởi quyền lực tập trung quá lớn vào một người giữ cả 2 vai trò: Tổ chức thực hiện và giám sát quá trình thực hiện. Hậu quả là hoạt động quản trị của doanh nghiệp đó bị biến dạng và dễ dàng bị trục lợi. Đây là một biểu hiện rất rõ ràng của hành vi “tham nhũng quyền lực” đã nói ở trên.

Thứ hai là chủ tịch HĐQT thâu tóm và quyết định toàn bộ công tác cán bộ, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt trong công ty. Theo quy định tại điểm (i), Điều 153, Luật Doanh nghiệp 2020, HĐQT là cơ quan được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý quan trọng trong công ty và quyết định tiền lương, thù lao và lợi ích khác mà các chức danh này được hưởng. Việc chủ tịch HĐQT toàn quyền quyết định việc này là vượt quá phạm vi thẩm quyền của mình.

Về nguyên tắc, HĐQT của công ty vốn dĩ đóng vai trò giống như người giám sát, với nhiệm vụ giảm bớt nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành. Vì vậy, trong trường hợp này, việc trao quyền miễn/bãi nhiệm cho chủ tịch HĐQT không chỉ trái với nguyên tắc chung, mà còn dễ dàng làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong nội bộ doanh nghiệp.

Thứ ba là chủ tịch HĐQT thao túng những người quản lý khác để chi phối các quyết định của HĐQT. Một khi chủ tịch HĐQT được bổ nhiệm các chức danh quản lý, thì có thể dễ dàng sắp đặt, lôi kéo được các chức danh quản lý khác về phía mình, đặc biệt là các thành viên HĐQT kiêm nhiệm các chức danh trong ban giám đốc hay ban tổng giám đốc.

Đây là một trong những biểu hiện nhức nhối nhất cần phải có cơ chế để nhận diện và loại bỏ trong một công ty đại chúng có vốn nhà nước, vì vô hình trung, chủ tịch HĐQT sẽ bằng cách thâu tóm các quyền cơ bản của HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc để biến một công ty đại chúng thành doanh nghiệp của riêng mình.

Thứ tư là chủ tịch HĐQT tự quyết định các giao dịch lớn trong công ty. Bên cạnh việc chủ tịch HĐQT nắm giữ quyền điều hành hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp còn cho phép chủ tịch HĐQT được quyền quyết định tất cả các giao dịch hợp đồng mua bán, vay tài sản có giá trị đến 35% tổng giá trị tài sản của công ty.

Biểu hiện này nếu không được các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ, thì nguy cơ về việc các cổ đông khác và đặc biệt là cổ đông nhà nước trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước mất vốn và bị lợi dụng để phục vụ các mục đích chuyển giá hoặc sử dụng vốn của doanh nghiệp thực hiện các giao dịch đầu tư cho các dự án, các giao dịch hợp đồng kinh doanh thương mại mà chủ tịch HĐQT có lợi ích là hoàn toàn có thể xảy ra.

Một số vụ án điển hình trong doanh nghiệp có vốn nhà nước

1.Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). 

Đây là vụ án kinh tế lớn, được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm tháng 01/2018 với bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo đồng phạm. Quá trình điều tra cho thấy, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐ Thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), đã chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD, trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Với hành vi này, TAND Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Đinh La Thăng 13 năm tù. Các bị cáo đồng phạm khác trong vụ án bị tuyên phạt từ 03 năm đến 22 năm tù, buộc bồi thường số tiền Nhà nước bị thất thoát.

Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng còn chỉ đạo cấp dưới góp vốn trái pháp luật vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) gây thất thoát cho Nhà nước 800 tỷ đồng. Tháng 3/2018, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm  tuyên phạt Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt của cả hai vụ án, bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành mức án là 30 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỉ cho cho PVN. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng, chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỉ đồng vì là người phải chịu trách nhiệm chính.

Tháng 6/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm, đã bác toàn bộ kháng cáo và y án sơ thẩm đối với Đinh La Thăng cùng 6 bị cáo đồng phạm khác.

2.Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land. 

Cùng liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) và đồng phạm đã có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”, xảy ra tại PVC và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP land). Cụ thế, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái phép, để nhận tạm ứng tiền từ PVN và sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Ở một diễn biến khác, với trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP land tại Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình Dương, nhưng Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã thông đồng với các đối tượng liên quan, ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thấp hơn mức gía đã thỏa thuận đặt cọc, tạo chênh lệch cổ phần trị giá 87 tỷ đồng (trong đó có tài sản Nhà nước). Giá trị tài sản các đối tượng chiếm đoạt là 49 tỷ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỷ đồng.

Tháng 01/2018, TAND Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt cho cả hai tội, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải chấp hành hình phạt là tù chung thân.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX TAND Thành phố Hà Nội tuyên buộc các bị cáo phải liên dới bồi thường số tiền thất thoát; riêng Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường số tiền gần 35 tỷ đồng; kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản, bao gồm: Biệt thự, căn hộ, và phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh để đảm bảo thi hành bản án.

Điểm chung của 2 vụ án này đều là do quyền lực tập trung trong tay của 2 bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh (Cả 2 đều giữ chức chủ tịch HĐQT trong công ty có vốn nhà nước tại thời điểm vi phạm), từ đó tạo điều kiện cho các bị cáo có thể dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội của mình.

Cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng có vốn nhà nước

Từ 2 vụ án tham nhũng điển hình trên, chúng ta có thể thấy việc đánh giá và nhận diện hành vi có dấu hiệu “tham nhũng quyền lực” của người quản lý, đặc biệt là vị trí chủ tịch HĐQT trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước là điều cần được thực hiện để sớm ngăn chặn và xử lý những hành vi này một cách thích đáng.

Việc xây dựng các giải pháp để hạn chế tình trạng lũng đoạn quyền lực, tham nhũng quyền lực nêu trên cần được tính toán một cách đồng bộ, bao gồm: Tăng cường hiệu quả và hiệu lực trong hoạt động của ban kiểm soát đối với các mô hình công ty có ban kiểm soát; tăng cường vai trò của thành viên độc lập HĐQT trong các mô hình công ty cổ phần đại chúng lựa chọn cơ cấu có thành viên độc lập HĐQT. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của người đại diện quản lý phần vốn nhà nước trong các công ty cổ phần đại chúng có vốn nhà nước; người đại diện cần có trách nhiệm phát hiện và báo cáo những dấu hiệu của hành vi lũng đoạn quyền lực này để báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Xây dựng chính sách quản trị công ty cổ phần đại chúng rõ ràng và nhất quán hơn liên quan đến cơ cấu quản trị; cần thiết phải xem xét xây dựng những quy định cấm, hạn chế việc tập trung quyền lực vào tay một cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng có vốn nhà nước để phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi có dấu hiệu “tham nhũng quyền lực” nhằm răn đe các cá nhân có tư tưởng thao túng quyền lực, cũng như đảm bảo sự minh bạch và lấy lại niềm tin của các cổ đông./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra