Lòng vòng hợp đồng thuê tài sản nhà nước, hậu quả và bài học quản lý đất đai

Thứ năm, 11/04/2024 22:22
(ThanhtraVietNam) - Bản án phúc thẩm đã tuyên, tranh chấp mặt bằng thuê tài sản nhà nước, sau 7 năm thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và 26 năm thực hiện hợp đồng vẫn xảy ra khiếu kiện, chưa đi đến hồi kết, gây hệ lụy.

Theo Bản án phúc thẩm số 126/2022/KDTM-PT, ngày 29 tháng 7 năm 2022, Công ty TNHH Một thành viên Thực phẩm Hà Nội, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được UBND thành phố Hà Nội chuyển đổi sang Công ty cổ phần tại Quyết định số 2449/QĐ-UBND ngày 1/6/2015 với tên gọi là Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội là nguyên đơn của bản án trên.

Trong quá trình hoạt động Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận cho thuê diện tích đất 1.405 m2 đất tại địa chỉ số 319 phố Tây Sơn (số cũ là 379), phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với thời hạn 30 năm để xây dựng công trình Trung tâm thương mại phục vụ hoạt động kinh doanh. Ngày 31/8/1998, Sở Địa chính Hà Nội và Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội đã cùng ký Hợp đồng thuê đất số 50- 98/ĐC-HĐTĐTN với nội dung Sở Địa chính Hà Nội cho Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội thuê một khoảnh đất để xây dựng Trung tâm thương mại.

Đến ngày 16 tháng 9 năm 2007, Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội cho Công ty TNHH Phương Anh thuê lại mặt bằng trên theo hợp đồng số 339 với thời hạn 10 năm (đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2017) mục đích hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội. Sau một thời gian, Công ty TNHH Phương Anh liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê đất đối với Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội. Cho đến ngày 31/7/2009, Công ty TNHH Phương Anh đã xác nhận còn nợ lại Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội tổng cộng trên 2 tỷ 738 triệu đồng và từ đó đến thời điểm công bố Bản án nêu trên, Công ty TNHH Phương Anh không thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội.

Khi không thể thu nợ, Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội đã phát hiện Công ty TNHH Phương Anh cho Công ty cổ phần Liên Hương và Công ty cổ phần văn hóa Thủ đô thuê lại. Hợp đồng số 68/2009/HĐPA ngày 22/12/2009 giữa Công ty TNHH Phương Anh và Công ty cổ phần Liên Hương đã được gia hạn đến hết ngày 23/12/2025 theo phụ lục hợp đồng.

leftcenterrightdel
Lòng vòng hợp đồng thuê tài sản nhà nước, hậu quả và bài học quản lý đất đai tại địa chỉ 319 tây sơn, phường Ngã tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội 

Theo tài liệu cung cấp, Công ty cổ phần Liên Hương đã thực hiện theo cam kết hợp đồng với Công ty TNHH Phương Anh, đã thanh toán đầy đủ các khoản tiền theo hợp đồng. Tại hợp đồng số 68 nêu trên, Công ty TNHH Phương Anh không nêu rõ nguồn gốc đất và hợp đồng thuê với Công ty Thực phẩm Hà Nội cho Công ty cổ phần Liên Hương biết, luôn khẳng định rằng “thuộc thẩm quyền sử dụng hợp pháp” của Công ty TNHH Phương Anh và “cam kết phần diện tích đề cập trong hợp đồng sẽ không bị thu hồi trong mọi trường hợp”. Từ đó Công ty cổ phần Liên Hương đã đầu tư, tu bổ, sửa chữa tòa nhà được thuê tại địa điểm 319 Tây Sơn để phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ với tổng số tiền lên đến hơn 16 tỷ đồng.

Tại bản án phúc thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kết luận “Việc ký hợp đồng giữa Công ty TNHH Phương Anh và Công ty cổ phần Liên Hương là không đúng quy định của pháp luật do chưa được sự đồng ý của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội”. Và cho rằng Công ty cổ phần Liên Hương “chiếm giữ đất”, đã “gây ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng đến tài chính và hoạt động kinh doanh” của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội. Từ đó buộc Công ty cổ phần Liên Hương phải có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và một số khoản tiền khấu hao tài sản cố định cho Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội từ ngày 16 tháng 09 năm 2017 đến hết tháng 12 năm 2021 với tổng số tiền hơn 2 tỷ 447 triệu đồng.

Xét theo quan điểm này thì Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội cho Công ty TNHH Phương Anh thuê nhưng cũng không có văn bản đồng ý của sở Tài nguyên và Môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu, đối tượng cho thuê đất, kế hoạch sử dụng đất nhưng cũng chưa được Tòa án nêu nội dung này ở phần nhận định của Bản án.

Hơn nữa, trong nội dung Bản án tòa phúc thẩm đã nêu vấn đề “quan điểm của UBND Thành phố Hà Nội là đề nghị Tòa án tham khảo ý kiến của Sở Tài chính về cổ phần hóa của Công ty Thực phẩm Hà Nội, giá trị tài sản trên đất khi cổ phần hóa, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa và căn cứ hợp đồng thuê nhà của nguyên đơn với bị đơn để xử lý”. 

Tại phần nhận định của Bản án, Tòa án cũng chưa nêu, chưa làm rõ các nội dung này như việc xác định giá trị tài sản hình thành tại vị trí 319 Tây Sơn có thuộc của Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội sau khi cổ phần hóa hay không? Từ đó có cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan.  Tuy nhiên, Tòa án đã khẳng định hợp đồng cho thuê giữa Công ty cổ phần Thực phẩm Hà Nội với Công ty TNHH Phương Anh là “đúng quy định của pháp luật và có hiệu lực thi hành đối với các bên” đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Liên Hương bồi thường số tiền 2 tỷ 447 triệu đồng, trong khi Công ty TNHH Liên Hương đã sữa chữa hơn 16 tỷ đồng, đã trả tiền thuê và thực hiện đúng, đủ các nghĩa vụ, các quy định của hợp đồng, thời hạn ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Phương Anh chưa hết… đã dẫn đến Công ty TNHH Liên Hương không đồng thuận với Bản án phúc thẩm nêu trên, đã gửi kháng án đến Giám đốc thẩm và đã được Tòa án nhân dân tối cao thụ lý hồ sơ vào ngày 10 tháng 7 năm 2023 đồng thời tiếp tục khởi kiện Công ty TNHH Phương Anh ra Tòa án quận Đống Đa và phản đối, kiến nghị việc hoãn cưỡng chế tài sản với lý do vụ án đang được Tòa án quận Đống Đa thụ lý theo quy định tại Điều 48 Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự năm 2020.

leftcenterrightdel
Bà: Lại Thị  Mai Hương, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hương tiếp tục khởi kiện Công ty TNHH Phương Anh ra Tòa án quận Đống Đa, Hà Nội và kháng án Bản án phúc thẩm lên Tòa án Tối cao. Ảnh: Phương Anh

Bài học quản lý?

Đất đai là tài sản nhà nước, việc sử dụng, quản lý đất đai đã quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cơ quan quản lý nhà nước tại nhiều văn bản quy định pháp luật nhằm đảm bảo phát huy giá trị nguồn lực đất đai, tăng thu ngân sách nhà nước.
Đến nay, sau 7 năm thực hiện chỉ đạo tại Quyết định số 5965/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội nhằm “giải quyết dứt điểm về hợp đồng thuê và thu hồi địa điểm” và sau 26 năm thực hiện hợp đồng nhà nước cho thuê tài sản vẫn chưa thể có hồi kết, gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mục tiêu kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại. Tài sản nhà nước có bị chiếm dụng? các khoản thu có bị thất thoát? Ai chịu trách nhiệm? UBND thành phố Hà Nội cần sớm vào cuộc, tiếp tục, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra làm rõ./.

Lục Vân Tiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra