Một số quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quy hoạch

Thứ hai, 27/11/2023 10:14
(ThanhtraVietNam) - Luật Quy hoạch năm 2017 quy định, UBND cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch tại địa phương, trong đó có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch. Từ 10/01/2024, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện toàn bộ trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên.

Luật Quy hoạch năm 2017 quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch; ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh trình Chính phủ ban hành chính sách, giải pháp bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện quy hoạch.

Điều 56 Luật Quy  hoạch quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch với một số nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

Một là, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh;

Hai là, tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh;

Ba là, phối hợp lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng liên quan;

Bốn là, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch;

Năm là, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch;

Sáu là, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quy hoạch.

Theo khoản 1 Điều 44 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm: a) Tổ chức xây dựng, cập nhật thường xuyên, lưu trữ, bảo quản lâu dài các nội dung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch thuộc trách nhiệm quản lý; kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng theo quy định; b) Bảo đảm tính chính xác về nội dung và các thông tin, cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch thuộc trách nhiệm cung cấp, cập nhật, quản lý; c) Bảo đảm an toàn tài khoản quản trị hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được cấp; d) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc bảo đảm an toàn, chia sẻ, kết nối, tích hợp và trích xuất thông tin, cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. 

Cụ thể hơn về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong công tác quy hoạch, Điều 45 Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định này.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quản lý quy hoạch của địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau: (1) Chủ trì, phối hợp với các sở ngành tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, đánh giá, quản lý, lưu trữ, công bố, khai thác và sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch theo đúng quy định; (2) Tổ chức quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng nhằm phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác hiệu quả, gia tăng giá trị của thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch; (4) Lưu trữ, bảo quản, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

leftcenterrightdel
 Một góc phố ở quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ảnh: NT

Thông tư số 12/2023/TT-BXD ngày 20/11/2023 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên (có hiệu lực từ ngày 10/01/2024) đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh một số nhiệm vụ.

Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên; thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009; tổ chức lấy ý kiến các Bộ; các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên; lập và cân đối kế hoạch kinh phí hàng năm đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên; trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên theo quy định pháp luật.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên đảm bảo trình tự, nội dung, chất lượng hồ sơ theo đúng quy định pháp luật trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.


Trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra năm 2024 đã được Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ đã xây hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024 cho các Bộ, ngành và địa phương. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2024 của Thanh tra Chính phủ là “Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng”. Gần đây, tại Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn làm cơ sở để triển khai các dự án bất động sản hiệu quả, phù hợp, đồng bộ, hiện đại.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra