Đồng Tháp:

Một số tồn tại và kiến nghị các giải pháp trong thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng 2018

Thứ sáu, 24/01/2025 08:08
(ThanhtraVietNam) - Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời phối hợp với Thanh tra Chính phủ để triển khai, thực hiện. Qua đó đã giúp cho công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh luôn hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch đã đề ra, từ đó góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và xây dựng văn hoá, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp

Nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tình hình mới

Kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện Luật PCTN

Theo UBND tỉnh, trong 5 năm qua, vai trò lãnh chỉ đạo, điều hành, ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng các ngành, các cấp phát huy được hiệu quả trong công tác PCTN, TC; công tác phối hợp trong PCTN, TC giữa các ngành, các cấp ngày càng chặt chẽ hơn; các cơ quan tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng kịp thời, đúng quy định; ý thức đấu tranh chống tham nhũng của Nhân dân ngày được nâng cao.

Song song với đó, các cơ quan khối nội chính thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin, tài liệu tạo điều kiện thực hiện tốt công tác PCTN, nhất là giữa các cơ quan chuyên trách về PCTN kịp thời phối hợp trong công tác của cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Theo UBND tỉnh, trong 5 năm, toàn tỉnh đã thực hiện tốt một số nội dung sau: Đó là, chú trọng triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng , tiêu cực.

Riêng UBND tỉnh ban hành 87 văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên liên quan đến công tác PCTN. Các sở, cơ quan ngang sở và UBND cấp huyện ban hành 1.571 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác PCTN.

Qua 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 2.194 lớp, với 85.740 lượt người tham dự, phát hành 22.400 tài liệu tìm hiểu pháp luật về PCTN, TC. Hình thức tuyên truyền được thực hiện qua việc tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến; tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tại các cuộc họp chi, tổ, hội. Đặc biệt là việc tuyên truyền tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; chuyên đề năm 2023 của Tỉnh về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh" và chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của nhân dân Đồng Tháp”; triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Về kết quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác PCTN, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra 190 cuộc, đối với 282 đơn vị, hiện đã ban hành kết luận thanh tra 190/190 cuộc. Qua thanh tra phát hiện một số khuyết điểm và đã kiến nghị xử lý hành chính 08 cá nhân vi phạm.

Về công tác chuyển đổi vị trí công tác, trong 5 năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.112 người theo kế hoạch chuyển đổi hằng năm và theo yêu cầu công tác tổ chức cán bộ.

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Đồng Tháp dự hội nghị trực tuyến về công tác PCTN, TC do Thanh tra Chính phủ tổ chức vào tháng 12/2024 (Ảnh: TTT.ĐT) 

Qua 5 năm, các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh đã triển khai, thực hiện kê khai tài sản, thu nhập 17.555 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Trong kỳ, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại 26 đơn vị. Qua kiểm tra, chưa phát hiện vi phạm đến mức xem xét, xử lý kỷ luật.

Về xác minh tài sản, thu nhập: Thực hiện Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Thanh tra tỉnh đã tiến hành xác minh tại 26/46 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đối với 52 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Về việc phát hiện và xử lý tham nhũng:  Trong kỳ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức 432 cuộc giám sát, nội dung giám sát việc chấp hành pháp luật trong lập, quản lý quy hoạch xây dựng từ năm 2020 đến nay.

Kết quả phát hiện vi phạm, tham nhũng qua hoạt động thanh tra: Cơ quan thanh tra (Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện) đã chuyển Cơ quan điều tra 11 vụ việc, 11 đối tượng có dấu hiệu tội phạm có liên quan đến tham nhũng. Cụ thể, Cơ quan điều tra đã khởi tố 02/11 vụ; không khởi tố 07/11 vụ; đang trong quá trình điều tra 02/11 vụ. Đến nay, Toà án đã xét xử 02/02 vụ; kết quả xét xử có 01 vụ việc, tội danh về “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, số tiền vi phạm đã khắc phục 124.273.250 đồng; có 01 vụ việc, tội danh vi phạm “lập quỹ trái phép”.

Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương: Trong 5 năm, Cơ quan tòa án đã xét xử 06/06 vụ, với 08 đối tượng về tội tham nhũng thuộc phạm vi quản lý khu vực Nhà nước. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện 9.115.294.794 đồng.

Kết quả PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, theo UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 60 doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (công ty đại chúng 04, tổ chức tín dụng 50, tổ chức xã hội 06) áp dụng theo các quy định của pháp luật được quy định tại Điều 80 của Luật PCTN năm 2018 gồm các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Trong kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 51 tổ chức tín dụng, thanh tra Sở Tài chính kiểm tra tại 01 đơn vị (Hội khuyến học Tỉnh) về việc thực hiện các quy định về PCTN và tài chính.

Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác PCTN

Một là, việc kê khai tài sản, thu nhập tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, do một số nội dung chưa cụ thể đối với từng vị trí việc làm và các chức danh, chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

Hai là, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn đạt mức thấp, quá trình thu hồi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các vụ việc tham ô tài sản thuộc khu vực ngoài Nhà nước. Đối tượng phạm tội tham nhũng hầu hết là người có chức vụ, quyền hạn, am hiểu pháp luật nên che giấu tinh vi, sử dụng tài sản chiếm đoạt cho nhiều người khác nhau nhằm mục đích tẩu tán.

Ba là, thủ trưởng một số đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN chưa phân công bộ phận chuyên trách tham mưu thực hiện, theo dõi, tổng hợp công tác PCTN tại đơn vị, tổ chức, do đó dẫn đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp chưa thật sự nhịp nhàng, đồng bộ, một số công việc về phòng ngừa tham nhũng chưa được thực hiện đầy đủ, còn vi phạm các nội dung về phòng ngừa tham nhũng.

Bốn là, việc rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc, khó thực hiện hoặc sơ hở, bất cập dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực chưa được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện và báo cáo, tổng hợp đầy đủ.

Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để điều chỉnh

Thứ nhất, về đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập theo Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị quy định thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập nhập có nêu đến “những người thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy, Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý”. Tuy nhiên, Luật PCTN năm 2018 chưa quy định nội dung này như Quyết định số 56-QĐ/TW, do đó dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai, phối hợp thực hiện.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập chưa được hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập còn khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Thứ ba, việc xác định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn, do Nghị định quy định “lĩnh vực” nhưng không quy định cụ thể từng vị trí công tác của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài ra, Nghị định 130/2020/NĐ-CP có liên hệ đến các “chức danh tương đương”, nhưng chưa quy định cụ thể các chức danh, chức vụ nào là tương đương với chức danh, chức vụ nào hoặc căn cứ, văn bản để đối chiếu, thực hiện.

Từ những khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các nội dung sau:

Điều chỉnh thống nhất các quy định giữa Luật PCTN năm 2018 và Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Song song với đó, hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập đối với Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hướng dẫn cụ thể từng vị trí công tác phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm của người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.

Đình Thuyết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra