Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số tại Quảng Ninh

Thứ tư, 30/08/2023 15:40
(ThanhtraVietNam) - Một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh - cải cách hành chính đã giúp địa phương này đứng tốp đầu tại nhiều chỉ số (PARINDEX, SIPAS, PCI, PAPI) trong nhiều năm qua. Để nâng tiếp tục cao hiệu quả cải cách hành chính gắn với thực hiện chuyển đổi số, địa phương này sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả tại các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực…

Một trong ba khâu đột phá chiến lược và nhiều kết quả đứng tốp đầu

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tiếp tục xác định CCHC là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh.

Tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, tham luận của UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: "Lần đầu tiên và cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa bốn chỉ số (PARINDEX, PCI, SIPAS, PAPI) vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, trở thành Nghị quyết của Đảng với phương châm "Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ". Để cụ thể hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, Nghị quyết đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của tỉnh nhằm hướng đến phục vụ ngày một tốt hơn, ngày một hiệu quả hơn đối với người dân và doanh nghiệp. Điều mà tỉnh Quảng Ninh luôn mong muốn là: Xây dựng một hình ảnh địa phương đi đầu về đổi mới, sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết và đồng hành của chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp.

Minh chứng rõ nét cho việc tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và đồng bộ trong 85 công tác CCHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiều kết quả nổi bật quan trọng đạt được như: Năm 2022 lần thứ 2, cả 04 Chỉ số PARINDEX, SIPAS, PCI, PAPI của tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc (Chỉ số PARINDEX, 05 lần dẫn đầu toàn quốc (2017-2020; 2021); Chỉ số SIPAS 04 năm liên tiếp dẫn đầu (2019-2022); Chỉ số PCI 06 năm liên tiếp dẫn đầu (2017-2022); Chỉ số PAPI 02 năm dẫn đầu toàn quốc (2020; 2022). Và ngày 12/7/2023 vừa qua, Chỉ số DTI của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng thứ hạng cao (thứ 3/63 tỉnh, thành phố). Đây là minh chứng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Một số kinh nghiệm cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số tại Quảng Ninh

Để đạt được những kết quả trên, trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung CCHC gắn với chuyển đổi số, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, địa phương đã đúc kết được một số kinh nghiệm:

Thứ nhất, tỉnh Quảng Ninh luôn quyết liệt, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó, từ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đều có Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo về CCHC; UBND tỉnh cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch để thực hiện. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch chuyên đề về “Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định các Bộ chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, DTI là một trong những công cụ quan trọng, là thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Do đó, sau khi Trung ương tổ chức công bố kết quả đánh giá xếp hạng đối với các Chỉ số, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu các Chỉ số, từ kết quả đó tỉnh sẽ đánh giá được những nội dung nào đã làm tốt, những nội dung nào chưa làm tốt để có những giải pháp khắc phục ngay (sau Hội nghị, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm khắc phục, cải thiện, duy trì các Chỉ số trong năm tiếp theo).

Thứ hai, về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo đổi mới quy trình giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và các địa phương theo hướng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, phần mềm xử lý vào quy trình giải quyết. Theo đó, đến nay tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình đạt trên 50%; trên 66% hồ sơ giải quyết TTHC được số hóa theo quy trình 05 bước, từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả (tính đến hiện nay, tỷ lệ số hóa dữ liệu của tỉnh Quảng Ninh trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 64,6% - là một trong những địa phương có tỷ lệ số hóa dữ liệu cao nhất cả nước; tỷ lệ TTHC được 86 tích hợp từ cổng dịch vụ công của tỉnh lên cổng dịch vụ công quốc gia đạt 76%, cũng nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ cao). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng và trước hạn của tỉnh luôn đạt tỷ lệ trên 99% và là địa phương có tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Thứ ba, tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm hoạt động hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo quản lý để lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất vào những vị trí lãnh đạo quản lý; thực hiện đổi mới trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức (theo đó, từ năm 2022 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ quy định về tỷ lệ đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% trong tổng số “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo các chức danh tương đương ở các cấp, các ngành”); Trong tuyển dụng công chức, tỉnh cũng thống nhất dành 50% chỉ tiêu biên chế tuyển hàng năm sau khi thực hiện tinh giản biên chế theo quy định để tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ chiến lược cho tỉnh.

Thứ tư, Quảng Ninh đã sớm xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, góp phần tạo bước đột phá trong công tác CCHC. Thực tế, theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc cập nhật cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức;  đã đồng bộ, kết nối 100% (33.373 tài khoản) với cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nội vụ quản lý về cán bộ, công chức, viên chức trước thời hạn theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi, nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp (từ cấp xã lên Văn phòng Chính phủ; từ xã của tỉnh Quảng Ninh đến một xã bất kỳ của một địa phương khác nếu xã đã kết nối lên trục liên thông quốc gia); là địa phương đầu tiên của miền Bắc có số lượng các cơ quan triển khai ISO điện tử nhiều nhất trong cả nước với 227 cơ quan hành chính nhà nước và đã được tích hợp chung vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh.

Đặc biệt từ tháng 5/2022 tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong 03 tỉnh đầu tiên kết nối hệ thống giải quyết TTHC (cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06.

"Những kết quả, thành tựu đạt được trong công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua đã tạo được niềm tin, sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp vào chất lượng điều hành của chính quyền và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi của tỉnh", đại diện UBND tỉnh nêu rõ tại tham luận.

Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức rất lớn đối với tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, vì để tiếp tục duy trì được niềm tin, sự hài lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phục vụ hành chính trên địa bàn tỉnh, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho đặt ra vấn đề: Đòi hỏi các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CCHC gắn với chuyển đổi số.

leftcenterrightdel
 Cải cách hành chính mạnh mẽ, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội tại Quảng Ninh. Ảnh: Tràng An

Cải cách thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả tại các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát vào các chỉ đạo của trung ương để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung liên quan đến CCHC, chuyển đổi số; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm bám sát mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác cải cách thủ tục hành chính, chú trọng nâng cao chất lượng hướng dẫn người dân, tổ chức đối với các thủ tục hành chính nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, cấp phép kinh doanh, xây dựng, chấp nhận chủ trương đầu tư....; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm sử dụng tối đa các tiện ích của chính quyền số; tiếp tục triển khai thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính; nâng cao tỷ lệ thanh toán điện tử.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ tư, rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định để đổi mới cơ chế tự chủ về tài chính tại các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; phân định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của chính quyền địa phương; bảo vệ người đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư để huy động được sức mạnh tổng hợp của các khối doanh nghiệp với nhau, của doanh nghiệp với nhà nước để đầu tư vào những công trình đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng để kịp thời hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến nhằm phát huy sự tham gia đóng góp tích cực của người dân vào tiến trình chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh CCHC, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra