Chuyên đề góc nhìn thanh tra về đánh giá hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Ngành Ngân hàng cụ thể hóa Nghị quyết về “tam nông” thế nào?

Thứ hai, 05/06/2023 19:42
(ThanhtraVietNam) – Nghị quyết của Trung ương xác định tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chính phủ xây dựng Chương trình hành động với mục đích, khẳng định, nhấn mạnh, bổ sung nhiệm vụ và ngành Ngân hàng đang cụ thể hóa bằng một Kế hoạch hành động.

Khuyến khích cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Tháng 6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: “Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”.

Để hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết số 19-NQ/TW  nêu rõ, cần phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân.

Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn.

Phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trong cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; ngăn chặn, xử lý nghiêm tín dụng đen.

Ngày 27/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW với mục đích, khẳng định, nhấn mạnh và bổ sung nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tổ chức thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW; cụ thể hóa và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương và giải pháp tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”…

Tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng thăm vườn sầu riêng tại nông trại 40 ha của ông Bùi Văn Quyển ở làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Agribank 

Nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết

Ngày 27/4/2023, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ.

Kế hoạch hành động này được xây dựng để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW; xác định nhiệm vụ, giải pháp, công việc, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ.

NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc, TCTD tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nhằm nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết.

Tăng cường thông tin, truyền thông về công tác điều hành chính sách tiền tệ, cơ chế, chính sách tín dụng và hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời cung cấp thông tin về kết quả thực hiện của ngành ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng khả năng truyền dẫn chính sách.

Đối tượng được Agribank ưu tiên:

Theo Agribank, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là đối tượng được ngân hàng này ưu tiên, nhất là về lãi suất cho vay (thấp hơn các đối tượng khác từ 1 - 2%/năm).

Ngoài ra, những chính sách tháo gỡ kịp thời để hỗ trợ khách hàng như cơ cấu nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi suất... cũng được áp dụng. Có những khoản nợ cách đây 10 đến 20 năm, khách hàng không có khả năng trả nợ, Agribank đã miễn lãi nên khách hàng chỉ phải trả nợ gốc (riêng năm 2022, đã miễn, giảm lãi khoảng 5.000 tỷ đồng).

Từ năm 2019 đến đầu năm 2023, ngoài việc tập trung đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, Agribank đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.

Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 20.025 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 52.000 tỷ đồng. 

Về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, NHNN đã xác định một số giải pháp, nhiệm vụ gồm:

Một là, rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ba là, khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; chú trọng phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô, củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Bốn là, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ góp phần tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm là, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò chủ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội, của Agribank trong cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, cung cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng cho giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra