Chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Thứ năm, 19/05/2022 10:46
(ThanhtraVietNam) - Ngày 01/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (gọi tắt là SCIC). Đến ngày 25/12/2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 147/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP.

Cùng quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, song, nếu như một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 151/2013/NĐ-CP là tạo cơ chế đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chuyển giao cho SCIC, thì nội dung chính của Nghị định số 147/2017/NĐ-CP là sửa đổi, bổ sung nguyên tắc đầu tư vốn của SCIC để phù hợp với tình hình thực tiễn.

leftcenterrightdel

Logo của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Đẩy mạnh cơ chế thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chuyển giao cho SCIC

Theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP, chức năng, nhiệm vụ của SCIC bao gồm: Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định; thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do SCIC tiếp nhận và trực tiếp đầu tư; tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành; đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước nắm giữ quyền chi phối; đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật, cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 151/2013/NĐ-CP cũng quy định, SCIC có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý. Được lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, kinh doanh vốn có mục tiêu chính trị - xã hội do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, SCIC phải tổ chức theo dõi để xác định rõ kết quả việc thực hiện những nhiệm vụ này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý. Góp vốn, tài sản với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để liên doanh, liên kết bằng các hình thức: Mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác, đầu tư thành lập doanh nghiệp mới, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh; các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Chủ động quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành; chủ động lựa chọn các hình thức bán vốn mà Tổng công ty đã tiếp nhận hoặc đầu tư tại các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và Điều lệ của Tổng công ty; được thỏa thuận mua lại cổ phần, vốn góp đã bán cho nhà đầu tư để đảm bảo các quyền và lợi ích của Nhà nước.

SCIC cũng được quyền nhận ủy thác các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước. SCIC cũng được thành lập, tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết (bao gồm cả các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư)…

Để đẩy mạnh cơ chế thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp chuyển giao cho SCIC, đồng thời đảm bảo quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước hiệu quả, cùng với việc quy định quyền chủ động của SCIC trong việc quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao, Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định rõ, việc bán vốn của SCIC phải đảm bảo thực hiện 04 nguyên tắc:
(1) Theo đúng tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định và Kế hoạch bán vốn được Hội đồng thành viên ban hành; (2) Bảo toàn, phát triển giá trị vốn Nhà nước đã giao cho Tổng công ty; (3) Đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; (4) Để tránh thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước, việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước phải bảo đảm phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nghị định số 151/2013/NĐ-CP  xác định rõ việc bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp Tổng công ty tiếp nhận quyền chủ sở hữu nhà nước là nhằm mục tiêu tiếp tục cổ phần hóa, giảm vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, không phải là bán vốn của cổ đông sáng lập và không phải thực hiện theo quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng.

Về phân phối lợi nhuận, Nghị định số 151/2013/NĐ-CP nêu rõ: Lợi nhuận của SCIC sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau: Chia lãi cho các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có); bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lợi nhuận còn lại, sau khi trừ đi các khoản trên sẽ được trích lập quỹ thưởng viên chức quản lý SCIC, quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định; trích lập quỹ thưởng thành tích bán vốn bằng 10% chênh lệch giữa tổng tiền thu bán vốn tiếp nhận trong năm với giá được xác định lại theo quy định, chi phí bán và thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không quá 03 tháng lương thực hiện. Phần lợi nhuận còn lại được chuyển toàn bộ vào quỹ đầu tư phát triển.

Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc đầu tư vốn của SCIC

Ngày 25/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013, trong đó, sửa đổi, bổ sung nguyên tắc đầu tư vốn của SCIC.

Theo Nghị định số 147/2017/NĐ-CP, SCIC được chủ động sử dụng nguồn vốn kinh doanh để thực hiện đầu tư vào các dự án, lĩnh vực, ngành nghề trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: Tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư có hiệu quả; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của Tổng công ty; đảm bảo nguồn vốn của Tổng công ty khi thực hiện các lĩnh vực đầu tư.

Các trường hợp SCIC không được đầu tư gồm: Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Tổng công ty; góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Đối với các công trình, dự án hạ tầng quan trọng mà Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư, SCIC tham gia với vai trò nhà đầu tư tài chính và huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để triển khai thực hiện.

Việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước cũng đã được sửa đổi. Theo đó, Nghị định số 147/2017/NĐ-CP quy định, việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước phải bảo đảm phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ và tài sản vô hình khác (nếu có) của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bán vốn.

Về thẩm quyền đầu tư, theo Nghị định số 147/2013/NĐ-CP quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án do SCIC thực hiện đầu tư nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 31 Luật Đầu tư và chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án do SCIC thực hiện đầu tư nêu tại khoản 2 Điều 54 Luật Đầu tư.

Bộ Tài chính quyết định chủ trương đầu tư đối với từng dự án do SCIC thực hiện đầu tư có quy mô vốn đầu tư trên 25% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của SCIC tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc trên mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công; phê duyệt chủ trương dự án đầu tư ra nước ngoài theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư (trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ).

Hội đồng thành viên quyết định hoặc phân cấp cho Tổng giám đốc SCIC quyết định từng dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư không quá 25% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định đầu tư dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công; quyết định các dự án nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương”.

Có thể nói, trải qua 16 năm thành lập và phát triển, SCIC đã nỗ lực chủ động trong quá trình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước được triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Theo lãnh đạo SCIC, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai tiếp nhận, quản trị và cổ phần hóa, bán vốn trong điều kiện danh mục doanh nghiệp chuyển giao giảm dần cả về số lượng và giá trị, SCIC đang nỗ lực chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, hướng tới mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ”./.

TB
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra