Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đúng đắn, chính xác

Thứ năm, 16/06/2022 11:16
(ThanhtraVietNam) - Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, tạo động lực, sức ép thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chủ động sắp xếp, giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các DN trong nước phát triển để khu vực DNNN thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Số lượng DNNN giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015

 Kết quả thực hiện cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa (CPH) DNNN đã được ban hành đầy đủ và tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và DN có vốn nhà nước, trong đó: Cùng với đó, cơ chế, chính sách phục vụ công tác CPH đã quy định đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị DN khi CPH, tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH (các DN khi thực hiện CPH phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi công bố giá trị DN). Qua đó, hạn chế thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng; đồng thời, quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động...

Chế độ, chính sách đối với người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp lại DN được cải thiện phù hợp đã giúp cho việc giải quyết chế độ được thuận tiện, nhanh chóng, từ đó nhận được sự đồng thuận của cả người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình sắp xếp, CPH DNNN; giúp người lao động ổn định cuộc sống sau khi thôi việc, người lao động được tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề để tìm được việc làm mới phù hợp.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan, đơn vị liên quan đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công để triển khai rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành lộ trình CPH, thoái vốn theo đúng nhiệm vụ đề ra. Danh sách các DN CPH, thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ công bố là một bước tiến lớn để công khai, minh bạch trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, đồng thời làm căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai đề án cơ cấu lại DNNN.

Nhìn chung, với việc thực hiện phương án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và kế hoạch CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN trong giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số lượng DNNN đã giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015. Các DNNN vẫn đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.

Theo đánh giá chung, các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước là các DN hoạt động hiệu quả nhất so với các DN khác, điều này đã khẳng định sự đúng đắn và chính xác trong công tác CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, nhằm thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn. Trong đó, tập trung quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thống nhất trong nhận thức, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho DN gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị DN khi thực hiện CPH, thoái vốn.

Đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho DNNN và cơ quan đại diện chủ sở hữu, theo đó cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN rà soát, đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại DN; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại DN đối với các nội dung, lĩnh vực chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa thành công.

DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước cần đổi mới và nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, đổi mới phát triển khoa học công nghệ, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện chế độ báo cáo, thông tin công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật.

Một mặt, tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong DN; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước.

Mặt khác hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại DN; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN theo nguyên tắc thị trường, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy DNNN chủ động sắp xếp để giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các DN trong nước phát triển; khu vực DNNN thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra