Đảm bảo thực thi lộ trình công khai, minh bạch trong thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ tư, 15/06/2022 14:02
(ThanhtraVietNam) - Cơ chế về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, theo thị trường và công khai, minh bạch.

Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những phương thức để thực hiện tái cơ cấu DNNN nhằm sắp xếp lại, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN kịp thời theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Chứng khoán, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Đất đai... trong đó, cơ chế về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, theo thị trường và công khai, minh bạch.

Cơ chế thoái vốn nhà nước

Để phù hợp với các luật mới ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thoái vốn, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và 2 Quy chế mẫu hướng dẫn Nghị định số 32/2018/NĐ-CP (Quyết định số 583/QĐ-UBCK ngày 06/07/2018 ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá theo lô chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần; Quyết định số 586/QĐ-UBCK ngày 06/07/2018 ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá thông thường chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần).

Đến năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09/10/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. Năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 77/2021/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Các nghị định và thông tư nói trên đã bổ sung những nội dung mới: về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác; quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác; quy định về thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác; quy định về xác định giá bán cổ phần mà nhà đầu tư phải thanh toán khi cơ quan đại diện chủ sở hữu/DNNN thực hiện giao dịch ngoài sàn để chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; quy định về ghi nhận vốn đầu tư ra ngoài của DNNN theo Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia Hợp đồng BCC; quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời, góp phần hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

leftcenterrightdel
Cơ chế về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng đảm bảo nguyên tắc đúng pháp luật, theo thị trường và công khai, minh bạch. Ảnh: nguồn internet 

DNNN chậm thoái vốn

Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở tiêu chí phân loại quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn gia đoạn 2017-2020 (Quyết định 1232). Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, trong năm 2017, các bộ, địa phương phải hoàn thành thoái vốn tại 131 doanh nghiệp, năm 2018 là 126 doanh nghiệp, năm 2019 là 57 doanh nghiệp, năm 2020 là 26 doanh nghiệp.

Tiếp đó, để điều chỉnh danh sách và lộ trình doanh nghiệp thực hiện thoái vốn phù hợp với thực tiễn, ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 để thay thế Quyết định 1232/QĐ-TTg (Quyết định 908). Theo danh mục này, có 120 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tcty CP Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng Hà Nội - Cty CP (Bộ Xây dựng), Tcty Xây dựng số 1 - Cty CP (Bộ Xây dựng); Tcty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Năm 2021, đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng, đồng thời các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu từ thoái vốn năm 2021 vẫn không đáp ứng yêu cầu thu từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Nhiều ý kiến nhận định, tiến độ thoái vốn còn chậm, chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Việc triển khai thoái vốn trong thực tiễn cũng còn một số bất cập, xuất phát từ khâu thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; việc xác định giá trị phần vốn nhà nước khi thoái vốn chưa phản ánh đúng, đầy đủ giá trị của doanh nghiệp (đặc biệt là việc định giá quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển...).

Có thể thấy, thời gian qua, quá trình thoái vốn không chỉ diễn ra chậm, mà bên cạnh đó, công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, dù có nhiều cơ chế, chính sách, nhưng không ít DNNN vẫn đầu tư thiếu hiệu quả, gây thua lỗ, thất thoát. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các quy định hiện hành trong quản lý, trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch. Nghiêm trọng hơn, một số doanh nghiệp cấu kết, móc nối, thiết lập nhóm lợi ích với người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước, gây nên tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong DNNN. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn còn 94 DNNN quy mô lớn (nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp) gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con. Các DNNN nói trên đang nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc, do đó, cần đẩy mạnh lộ trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mới đây, ngày 17/3/20922, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 360/QĐ-CP phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty. Sau khi có quyết định này, các tổng công ty, tập đoàn mới tiến hành phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu, cùng với danh mục CPH, thoái vốn được ban hành sẽ tạo thành bộ hướng dẫn chuẩn để doanh nghiệp thực hiện và cũng là cơ sở để các đơn vị chủ quản giám sát, đôn đốc việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đảm bảo thoái vốn đúng pháp luật, theo thị trường và công khai, minh bạch

Sau hơn 30 năm sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn, DNNN đang tiếp tục khẳng định vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đối với DNNN cũng ẩn chứa nguy cơ tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong việc đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước thì để đảm bảo hiệu quả, thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần tập trung thực hiện các giải pháp sau

Một là, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng. Các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích và công cụ quản lý riêng đối với DNNN quy mô lớn có vai trò quan trọng trong các ngành, lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế; tách biệt khỏi thể chế, chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích, DNNN quy mô nhỏ tại các địa phương. Đối với loại doanh nghiệp này, cần phải xây dựng và xác định rõ định hướng, giao cho họ các sứ mệnh, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể tương xứng với nguồn lực, vị trí và vai trò trong phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan của nền kinh tế. Bên cạnh đó, không áp đặt mệnh lệnh hành chính đối với cổ phần hóa, thoái vốn. Thay vào đó, thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả để cơ cấu lại và huy động thêm vốn phục vụ phát triển DNNN có liên quan.

Hai là, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN và người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Quy định rõ thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm hoạt động đầu tư) theo tổng thể không tính riêng từng hoạt động, dự án cụ thể để khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm.

Ba là, định kỳ công bố công khai thông tin tiến độ và kết quả thực hiện về cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong đó nêu rõ tên đơn vị hoàn thành, tên đơn vị còn chậm tiến độ) làm cơ sở để đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.

Bốn là, tập trung rà soát, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của DNNN trong phòng, chống tham nhũng, nhất là về công khai minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật./.

Bảo Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra