Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC theo Nghị định 148/2017/NĐ-CP của Chính phủ

Thứ tư, 22/06/2022 11:19
(ThanhtraVietNam) - “Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước” (sau đây gọi tắt là SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/8/2006. Ra đời trong bối cảnh Việt Nam chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; SCIC được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, Cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao.

Ngày 25/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 57/2014/NĐ-CP ngày 16/6/ 2014 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của SCIC theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

SCIC hoạt động với mục tiêu: Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước

SCIC hoạt động với mục tiêu: Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại doanh nghiệp khác, hoàn thành các nhiệm vụ khác do đại diện chủ sở hữu nhà nước giao; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. SCIC có 03 ngành, nghề kinh doanh chính gồm: đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Cùng với đó là các ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật; các ngành, nghề khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Vốn điều lệ của SCIC là 50.000 tỷ đồng (năm mươi nghìn tỷ đồng). SCIC quản lý danh mục đầu tư gồm các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như: dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin…

Theo Nghị định 148/2017/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của SCIC gồm có: Hội đồng thành viên; Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc của Tổng Giám đốc; Kiểm soát viên. Trong đó, Hội đồng thành viên là đại diện trực tiếp của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC, quyết định các vấn đề liên quan đến việc xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và quyền lợi của SCIC theo phân cấp quy định tại Điều lệ này trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý. Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và trước pháp luật về mọi hoạt động và sự phát triển của SCIC.

Theo Nghị định số 148/2017/NĐ-CP, SCIC có các quyền sau:

- Lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, có khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật; góp vốn, tài sản với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để liên doanh, liên kết bằng các hình thức: Mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác, đầu tư thành lập doanh nghiệp mới, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

- Được quyền chủ động quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao từ các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành và Điều lệ này; chủ động lựa chọn các hình thức bán vốn mà SCIC đã tiếp nhận hoặc đầu tư tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Điều lệ này; được thỏa thuận mua lại cổ phần, vốn góp đã bán cho nhà đầu tư để đảm bảo các quyền và lợi ích của Nhà nước; nhận ủy thác các nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.

- Được thành lập, tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết (bao gồm cả các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư) theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương.

- Thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà SCIC nắm giữ 100% vốn điều lệ; quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn SCIC đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (bao gồm cả phần vốn SCIC tiếp nhận) theo quy định của pháp luật.

- Cử, ủy quyền và đánh giá hoạt động của Người đại diện; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện; quyết định mức thù lao, thưởng và các lợi ích khác của Người đại diện tại các doanh nghiệp được giao quản lý. Giao nhiệm vụ cho Người đại diện quyết định những nội dung theo quy định của pháp luật, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Điều lệ này. Tham gia lựa chọn Người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao vốn về SCIC.

Bên cạnh đó, Nghị định 148/2017/MNĐ-CP cũng quy định SCIC có nghĩa vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

Thực hiện báo cáo Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước được giao quản lý; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm. Đồng thời, thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà SCIC nắm giữ 100% vốn điều lệ; nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn SCIC đầu tư vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (bao gồm cả phần vốn SCIC tiếp nhận) theo quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC.

 Nỗ lực vượt khó, đảm bảo hiệu quả kinh doanh vốn nhà nước

Thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của SCIC, đến nay, Tổng Công ty đã đạt được đạt được những kết quả tích cực trong việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và bán vốn Nhà nước. Đánh giá kết quả hoạt động của SCIC sau 15 năm thành lập (2006-2021) cho thấy, so với thời điểm mới thành lập, doanh thu của Tổng Công ty tăng gấp 54,6 lần; vốn chủ sở hữu SCIC tăng gấp 16,2 lần; tổng tài sản tăng gấp 12,2 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 55,62 lần. Số tiền SCIC nộp ngân sách nhà nước tăng 869,12 lần. Đặc biệt, 2 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC còn gặp nhiều khó khăn, song Tổng Công ty vẫn nỗ lực hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh, đồng thời, với vai trò cổ đông lớn, SCIC đã đồng hành, giúp các doanh nghiệp từng bước vượt khó.

Theo báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của SCIC, năm 2020, doanh thu của SCIC đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch. Trong đó doanh thu cổ tức đạt 4.633 tỷ đồng, bằng 134% kế hoạch; doanh thu bán vốn đạt 1.173 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 602 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch; doanh thu tài chính ước đạt 2.128 tỷ đồng, bằng 106% kế hoạch.  Lợi nhuận trước thuế đạt 6.588 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế đạt 6.197 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước, đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.

Doanh thu năm 2021 đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch. Trong đó, doanh thu cổ tức đạt 4.409 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch; doanh thu bán vốn đạt 1.390 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch; doanh thu tài chính đạt 1.404 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.563 tỷ đồng, bằng 259% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 9.577 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, SCIC đã đầu tư 6.895 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines, chiếm tỷ lệ sở hữu 31%. Bên cạnh đó, trong năm 2021, SCIC đã triển khai nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như: dự án hợp tác với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas); dự án xây dựng trụ sở của Tổng công ty và chi nhánh miền Trung; quỹ khoa học công nghệ của SCIC tài trợ cho hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án khu công nghiệp kỹ thuật cao Chân Mây, Cảng Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, dự án Thành lập quỹ đầu tư với Mirae Asset, dự án đường cao tốc khu vực phía Nam…

Theo lãnh đạo SCIC, trong năm 2022, Tổng Công ty sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn đến năm 2035, đồng thời chủ động triển khai xây dựng báo cáo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành Quỹ đầu tư Chính phủ. Việc trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ sẽ giúp SCIC có cơ chế thuận lợi hơn khi đầu tư vào doanh nghiệp, nhằm sinh lợi vốn nhà nước và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn./.

TB
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra