Hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật để thực hiện hiệu quả cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước

Thứ sáu, 10/06/2022 09:24
(ThanhtraVietNam) - Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống các cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và có nhiều đổi mới nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.

Tổng kết, đánh giá quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020  là cần thiết

Quá trình cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp (DN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cơ cấu lại DNNN ở một số DN chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Việc tổng kết, đánh giá quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 sẽ góp phần tìm ra các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại DNNN trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành 30 Nghị định, 3 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định, các Bộ đã ban hành 19 Thông tư, tập trung vào cơ chế, chính sách về cổ phần hoá, thoái vốn tại DNNN cho phù hợp với hệ thống luật mới ban hành, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý tài chính DNNN, đổi mới chính sách tập trung tạo động lực cho DNNN phát triển sản xuất kinh doanh.

Các quy định cũng tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của DNNN, nhất là vay nợ nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Đồng thời, hoàn thiện chính sách quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN phù hợp với mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu độc lập chuyên trách.

Cùng với đó, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nói chung và chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước, tập trung vào công tác xác định giá trị tài sản và xử lý đất đai của DN cổ phần hóa.

Trong quá trình triển khai, trên cơ sở phản ánh của các đơn vị về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung như điều kiện cổ phần hóa gắn với phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; hướng dẫn phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa…

Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Về tình hình cổ phần hóa, theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 là 128 DN.

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 DN đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 DN cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Trong đó, tổng giá trị dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai là 98.748 tỷ đồng (tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại DN). Tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN). Tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giai đoạn 2016 - 2019, nguồn thu đảm bảo theo kế hoạch thu NSNN hàng năm theo yêu cầu của Quốc hội

Trong năm 2021 ghi nhận 4 DN cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng, gồm: 3 DN thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cổ phần hóa trong năm 2020 và 1 DN cổ phần hóa trong năm 2021 là Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An (không thuộc danh mục DN cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Về tình hình triển khai thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020: thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. Trong đó thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Thoái vốn nhà nước tại các DN ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg: Đã thoái 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 17.032 tỷ đồng, thu về 53.420 tỷ đồng.

Trong năm 2021, đã thoái vốn tại 18 DN với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 DN với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn tại 14 DN với giá trị 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng.

Đối với tổ chức quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, từ ngày 01/01/2018, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, Quỹ được chuyển giao từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Bộ Tài chính theo dõi, quản lý theo quy định (có bộ máy quản lý Quỹ và thực hiện chế độ kế toán Quỹ).

Trong năm 2019, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN giai đoạn 2011 - 2017. Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến kết luận, kiến nghị của KTNN, đồng thời tích cực, chủ động trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ Quỹ và tại công văn số 393/KTNN-CNVII ngày 01/12/2020 của KTNN đã kết luận Bộ Tài chính cơ bản đã thực hiện các ý kiến, kiến nghị của KTNN.

Về thực hiện nhiệm vụ nộp ngân sách nhà nước (NSNN) từ Quỹ theo các Nghị quyết của Quốc hội giai đoạn 2016 - 2020, theo các Nghị quyết của Quốc hội nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải nộp về ngân sách nhà nước là 250.000 tỷ đồng. Đến nay, tổng số tiền đã nộp NSNN (thông qua Quỹ) là 234.387 tỷ đồng (đạt 93,6% kế hoạch), cụ thể: năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 60.000 tỷ đồng; năm 2018 là 65.000 tỷ đồng; năm 2019 là 50.000 tỷ đồng và năm 2020 là chuyển 29.387 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN.

Như vậy, trong các năm từ 2016 đến 2019 thì nguồn thu đảm bảo theo kế hoạch thu NSNN hàng năm theo yêu cầu của Quốc hội. Năm 2020 số phải nộp NSNN theo yêu cầu của Quốc hội là 45.000 tỷ đồng, số đã nộp là 16.700 tỷ đồng (không bao gồm khoản 12.687 tỷ đồng chi cho PVN).

Năm 2021, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ là 1.404 tỷ đồng; Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 không đáp ứng yêu cầu thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2547/QĐ-BTC ngày 30/12/2021 chuyển 1.000 tỷ đồng từ Quỹ vào NSNN, đạt 2,5% kế hoạch).

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra