Nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp có vốn nhà nước tạm dừng thoái vốn đến hết năm 2020

Thứ ba, 01/11/2022 10:51
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện đề án tái cơ cấu sắp xếp doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 về các doanh nghiệp thuộc đối tượng thoái vốn, tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quy định xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện thoái vốn.

Những hạn chế trong việc trậm triển khai thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo báo cáo của Chính phủ tính cả giai đoạn 2016-2020, kế hoạch thoái vốn chỉ đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, đặc biệt năm 2021, thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt rất thấp so với dự toán, chỉ đạt 4.400 tỷ đồng/40.000 tỷ đồng. Thực tế, năm 2020 dù là thời hạn cuối cùng trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020, kết quả thoái vốn và cổ phần hóa lại ở mức thấp kỷ lục. Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, các doanh nghiệp đã thoái được 979 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 2.031 tỷ đồng trong năm 2020. Con số trên chỉ bằng chưa đến 1,2% so với tổng số tiền thu về từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ năm 2016.

 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn: Internet 

Nguyên nhân dẫn đến thoái phần vốn nhà nước chưa đạt yêu cầu và chậm do khó khăn lớn từ xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa, do sự biến động về giá đất từng thời kỳ, giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp có nhiều cách hiểu khác nhau, còn vướng mắc trong việc thống nhất cách xác định mức giá và phương thức tính tiền thuê đất một năm hay nhiều năm và còn tồn tại từ quy định chính sách pháp luật, làm chậm quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể: với phương án sử dụng đất theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, quy định các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Do đó nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện xin giãn tiến độ cổ phần hóa và hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất này dẫn đến tiến độ cổ phần hóa thoái vốn bị chậm.

Mặt khác, hệ thống văn bản nhiều nhưng một số quy định chưa rõ ràng, đầy đủ và thiếu tính khả thi, gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp khi thoái vốn bị kéo dài thời gian thực hiện. Bên cạnh đó có sự bất nhất trong chính sách về tính lợi thế quyền thuê đất khi nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 không đề cập đánh giá lợi thế quyền thuê đất trong giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, Nghị định số 32/2018/NĐ- CP ngày 08/3/2018 thì lại quy định đánh giá lợi thế quyền thuê đất. Nghị định 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP lại chưa có hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp theo văn hóa lịch sử. Thực tế này khiến đơn vị tư vấn thẩm định giá rất lúng túng khi định giá trị doanh nghiệp.

Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp khi triển khai thoái vốn

Để đẩy nhanh tiến độ thoái phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần phải điều chỉnh khung pháp lý quy định đồng nhất về đánh giá lợi thế đất khi xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị về việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc chưa đạt theo kế hoạch thoái vốn cụ thể:

Thứ nhất, cần quy định trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu nếu để chậm trễ việc phê duyệt sắp xếp phương án sử dụng đất. Hiện nay, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, làm cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương lúng túng khi triển khai, chậm quyết định thực hiện nhiệm vụ; các quy định pháp luật liên quan đến xác định lợi thế thương mại chưa được hướng dẫn một cách rõ ràng, dẫn đến việc định giá doanh nghiệp nhiều vướng mắc và khó có thể thực hiện thành công nhiệm vụ thoái vốn nhà nước.

Thứ hai, theo Luật đất đai, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thường xuyên thực hiện sắp xếp đất đai để quản lý tài sản này. Nhưng bấy lâu nay các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước kể từ khi cổ phần hóa chưa chú trọng việc sắp xếp theo quy định của Luật đất đai. Chính vì thế khi Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tái cấu trúc sắp xếp lại doanh nghiệp lại gặp vướng mắc và không tháo được nút thắt. Vì vậy cần quyết liệt làm tốt khâu sắp xếp đất đai thì sẽ bảo đảm việc thoái vốn sẽ nhanh chứ không chậm như lâu nay.

Thứ ba, cần ban hành một khung pháp lý hoàn thiện và đầy đủ các quy định pháp luật đảm bảo tính thực thi về trách nhiệm của người đứng đầu về việc chậm quá trình cổ phần hóa thoái vốn. Nếu là do yếu tố tổ chức thực hiện thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Và trách nhiệm đến đâu?”, "Việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện một cách triệt để. Do đó cần có sự vào cuộc, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cần có chế tài xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN không hoàn thành hoặc không triển khai thực hiện  thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.


TS. Phạm Thị Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra