Quản trị doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn - Những vấn đề đặt ra hiện nay

Thứ năm, 22/12/2022 15:19
(ThanhtraVietNam) - Một trong những yếu tố quan trọng của cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là phải minh bạch hóa tài chính và tính trách nhiệm của quản trị. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, tuy nhiên chất lượng doanh nghiệp còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Nguyên nhân chính là năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị công ty còn hết sức hạn chế thêm vào đó là hệ thống chính sách còn chưa đồng bộ, thiếu công cụ quản trị. Do đó, để quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế cần có một hành lang pháp lý hoàn thiện, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động và tăng cường khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các nguồn vốn bên ngoài, góp phần tích cực vào việc tăng cường giá trị doanh nghiệp, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

1. Khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp

Đối với DNNN trọng tâm đổi mới quản trị là chủ yếu tập trung vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Bản chất và nội dung của quá trình này chính là ủy quyền và ra quyết định từ các cơ quan hành chính cấp trên sang cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp. Sự thay đổi nói trên kết hợp với sự xuất hiện và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã làm cho các DNNN định hướng thị trường hơn nhiều trong hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, quá trình đó ngày càng bộc lộ sự bất cập của nó và đó chính là vấn đề làm sao duy trì được sự cân bằng giữa quyền kiểm soát của Nhà nước trong vai trò chủ sở hữu và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý của các DNNN phải giám sát những người quản lý ngăn chặn những lỗ hổng hoặc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Tuy vậy, nếu can thiệp và kiểm soát quá mức sẽ hạn chế tính năng động sáng tạo của đội ngũ quản lý, làm mất cơ hội làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng thường gặp là khó có thể phân biệt được một cách rạch ròi giữa những can thiệp đúng thẩm quyền của cơ quan nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và những can thiệp hành chính nhà nước.

Trước bối cảnh nói trên có lẽ là cơ sở cho việc hình thành Luật DNNN năm 1995 và một trong những mục tiêu chủ yếu của Luật DNNN năm 1995 là “tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp”.

Luật DNNN năm 1995 là bước khởi đầu hình thành khung quản trị các công ty có vốn nhà nước. Cụ thể mô hình tổ chức quản lý Luật DNNN 1995 đã phân biệt tổng công ty nhà nước và DNNN độc lập có quy mô lớn và doanh nghiệp khác. Đối với tổng công ty và DNNN độc lập có quy mô lớn thì mô hình quản lý bao gồm hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát và tổng giám đốc hoặc giám đốc và bộ máy giúp việc. Đối với các doanh nghiệp khác thì có giám đốc và bộ máy giúp việc. Luật DNNN năm 1995 cũng đã quy định Chính phủ là đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Những quyền của chủ sở hữu cũng đã được quy định. Chính phủ không trực tiếp thực hiện các quyền sở hữu đó, mà phân cấp hoặc ủy quyền cho các bộ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của họ. Điều này dẫn đến có hàng chục bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân tất cả các tỉnh, thành phố Trung ương đều tham gia thực hiện quyền sở hữu nhà nước, các quy định về quyền chủ sở hữu Nhà nước vẫn không được hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Khung quản trị DNNN không có gì thay đổi so với người tiền nhiệm của nó.

Đến năm 2005 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 đã có một bước tiến lớn tạo ra một thay đổi căn bản trong quá trình hoàn thiện khung quản trị công ty, đã thống nhất không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Luật doanh nghiệp cũng đã quy định khá đầy đủ và cụ thể các nội dung hay yếu tố cấu thành của khung quản trị công ty, nhất là đối với công ty cổ phần và những nội dung đó của khung quản trị công ty đã thuân thủ về cơ bản phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ thông dụng phổ biến. Tuy nhiên, quy định về thành viên độc lập vẫn chưa rõ ràng.

Năm 2014 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH16 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 thay thế cho Luật Doanh nghiệp 2005, với nhiều điểm mới liên quan đến các nội dung quan trọng về quản trị công ty như: Quy định về hai mô hình quản trị công ty để doanh nghiệp chọn tổ chức quản lý và hoạt động (Điều 134 Luật Doanh nghiệp), quy định về thành viên độc lập HĐQT (khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp), quy định về tiêu chuẩn kiểm soát viên (Điều 163, 164 Luật Doanh nghiệp) và nhiều điểm thay đổi khác…

Để tiếp tục hoàn thiện về quản trị công ty theo thông lệ quốc tế và nghĩa vụ của cổ đông, năm 2020 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 có hiệu lực 01/01/2021 thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những thay đổi về khái niệm DNNN trong đó quy định DNNN bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 và quyền cổ đông của doanh nghiệp và bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần. So với quy định hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần như sau: Thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba. Đồng thời, để hướng dẫn chi tiết về khung quản trị, tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định một số điều của luật chứng khoán; Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Doanh nghiệp, theo quy định hướng dẫn của Nghị định trên về quản trị công ty là hệ thống các nguyên tắc, bao gồm:

Một là: Đảm bảo cơ cấu quản trị hợp lý; đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát; đảm bảo quyền lợi của cổ đông và những người có liên quan cũng như đối xử công bằng giữa các cổ đông; công khai minh bạch mọi hoạt động kinh doanh của công ty về tài chính đồng thời chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc (tổng giám đốc) của cùng một công ty đại chúng.  

Hai là: Cổ đông được có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định luật doanh nghiệp và điều lệ công ty, mỗi cổ phần sở hữu của cùng một loại đều tạo cho cổ đông sở hữu các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Trường hợp công ty có các loại cổ phần ưu đãi, các quyền và nghĩa vụ gắn liền với các loại cổ phần ưu đãi phải được đại hội đồng cổ đông thông qua và công bố đầy đủ cho cổ đông; quyền được tiếp cận đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường do công ty công bố theo quy định của pháp luật. Cổ đông có quyền bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình. Trường hợp quyết định của đại hội đồng cổ đông vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty, quyết định của HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty, cổ đông có quyền đề nghị hủy hoặc đình chỉ quyết định đó theo quy định của luật doanh nghiệp đồng thời cổ đông lớn có nghĩa vụ tuân thủ theo quy định của luật doanh nghiệp không được lợi dụng ưu thế của mình gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích của công ty và của các cổ đông khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

Như vậy, từ những khung pháp lý được thay đổi hoàn thiện bổ sung, quản trị công ty tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đã từng bước đạt hiệu quả thay đổi rõ rệt, với những thay đổi cơ bản về luật doanh nghiệp và các văn bản nghị định hướng dẫn phù hợp với quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy định của luật doanh nghiệp về quản trị công ty dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực quản trị tốt, nhiều điều khoản về quản trị công ty được thiết kế dưới hình thức mở khi quy định “trừ trường hợp điều lệ có quy định khác”, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cụ thể sẽ cân nhắc vào nhu cầu, tính chất hoạt động kinh doanh để áp dụng thực tiễn quản trị tốt hơn nhiều so với yêu cầu của luật đồng thời tăng cường tính độc lập và hiệu quả hoạt động của HĐQT và ban kiểm soát.

2. Thực trạng quản trị doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn

Thực tế, những năm qua cho thấy việc xây dựng hành lang pháp lý đặc biệt là pháp luật doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế, đây chính là cơ sở quan trọng để hình thành các cơ chế quản trị doanh nghiệp, có thể thấy Luật Doanh nghiệp năm 2020 ra đời và có hiệu lực ngày 01/ 01/2021 đã xây dựng nền tảng cho việc hình thành cơ chế quản trị công ty, trong đó phải kể đến tính ổn định và hoàn thiện hơn của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với luật doanh nghiệp trước đây, nhiều quy định tương đối rõ ràng và phù hợp, tạo thành cơ chế quản trị phù hợp nhất là đối với loại hình công ty cổ phần mà cụ thể là luật đã có các quy định bảo vệ, tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền hạn chính đáng của các chủ sở hữu; bảo đảm đối xử công bằng giữa các chủ sở hữu; công khai thông tin và minh bạch hóa cơ chế quản trị công ty; các quyền của HĐQT và cơ chế giám sát HĐQT của chủ sở hữu trong cơ chế quản trị công ty; đồng thời quy định cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan như cổ đông, HĐQT, giám đốc điều hành, trong đó đã chú ý bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số... Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng và cụ thể nhất cho hoạt động quản trị công ty hiện nay.

Luật Doanh nghiệp hiện hành tại Việt Nam (Luật Doanh nghiệp năm 2020) và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã đi vào thực tiễn và có những vai trò nhất định. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn đó một số vấn đề trong lúc triển khai về công tác quản trị đều còn rất lúng túng tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, chưa theo kịp những quy định cũng như các thông lệ về quản trị công ty quốc tế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với quyền cổ đông: Các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành cho thấy, quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông thiểu số và nhóm các cổ đông thiểu số nói riêng trong công ty cổ phần chưa thực sự được bảo vệ. Cổ đông và nhóm cổ đông thiểu số gần như bị áp đảo hoàn toàn bởi các cổ đông lớn trong công ty cổ phần và luôn chịu những bất lợi. Còn đối với cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng khi phát hiện những sai sót, gian lận trong quá trình điều hành của các cấp quản lý công ty đều có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành chưa tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cổ đông thực hiện quyền khởi kiện khi phát hiện các gian lận, sai sót trong quá trình hoạt động của cấp quản lý, hay trình tự thủ tục khởi kiện còn nhiều phức tạp, tốn kém về thời gian và tiền bạc của các cổ đông.

Thứ hai, về HĐQT và ban kiểm soát: Thực tế ở Việt Nam cho thấy, việc bầu HĐQT công ty trong công ty cổ phần bị chi phối rất nhiều bởi nhóm cổ đông đa số, trong khi đó ban kiểm soát trong công ty chưa thể hiện, phát huy vai trò bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư, do đó các rủi ro mà bản thân họ và các cổ đông, nhà đầu tư phải gánh chịu là rất lớn cụ thể:

Về hoạt động của HĐQT: Đối với công ty cổ phần có vốn nhà nước đây là một cơ quan có quyền lực cao nhất của công ty, nơi vạch ra những chiến lược và giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Họ có quyền đại diện cho công ty đưa ra các quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty. Vai trò của HĐQT của công ty cổ phần là bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, thực hiện việc kiểm soát hoạt động của bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với công ty cổ phần luôn tồn tại nguy cơ xung đột về lợi ích giữa các cổ đông với tư cách là người sở hữu vốn. Vì vậy, HĐQT của công ty cổ phần sẽ đóng vai trò giống như người giám sát. Với nhiệm vụ giảm bớt nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành. Đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng cho cổ đông, đặc biệt là những cổ đông nhỏ. Tuy nhiên không phải tất cả HĐQT đều vì lợi ích các cổ đông và bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, đứng trên vai trò quản lý điều hành quản trị doanh nghiệp, điều này sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định đối với công ty. Mặt khác, đối với doanh nghiệp cổ phần vốn nhà nước một số doanh nghiệp vẫn để giám đốc kiêm nhiệm thành viên HĐQT. Với việc kiêm nhiệm cả hai chức danh này đã làm cho lãnh đạo doanh nghiệp không đủ năng lực, kinh nghiệm và thời gian dành cho việc xây dựng chiến lược phát triển của công ty. Kết quả tất yếu là phần lớn doanh nghiệp không có chiến lược, hoạt động chủ yếu mang tính ngắn hạn, nhằm vào lợi nhuận trước mắt, tư duy chủ yếu dựa trên các “chiêu, chước” mang tính ứng phó, thiếu tính dài hạn và bền vững. 

Đối với hoạt động của ban kiểm soát: Hiện tại, trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước vai trò của ban kiểm soát lại khá mờ nhạt. Theo quy định, ban kiểm soát phải kiểm tra và kiểm soát được hoạt động của HĐQT và ban điều hành. Mặc dù, luật doanh nghiệp đã quy định lại các trường hợp công ty cổ phần bắt buộc phải có ban kiểm soát, tuy nhiên các quy định này trong luật doanh nghiệp qua các giai đoạn cũng chưa chặt chẽ khi thiếu hẳn các quy định về mối quan hệ giữa thành viên ban kiểm soát với nhau và với trưởng ban kiểm soát, cũng như thể thức hoạt động của ban kiểm soát. Sự thiếu vắng các quy định này có thể dẫn đến những hạn chế trong hoạt động của ban kiểm soát, cũng như việc xác định trách nhiệm của các thành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình điều này dẫn đến họ không phát huy được vai trò của mình vẫn mang nặng tính nhân viên cấp dưới thuộc sự chỉ đạo điều hành của HĐQT, do vậy tính độc lập trong kiểm tra là rất hạn chế. Thực tế hiện nay, hầu hết ban kiểm soát đều hoạt động rất hình thức, phụ thuộc vào HĐQT và ban điều hành. Với các đặc điểm nêu trên, ban kiểm soát khó có thể hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ như luật định và trở nên hình thức. Vì vậy, thực trạng về ban kiểm soát ở nước ta vẫn còn tồn tại dưới hình thức “người giám sát bị kiểm duyệt”, chưa phải là một thể chế giám sát nội bộ độc lập, chuyên môn và chuyên nghiệp để cân bằng hoạt động của doanh nghiệp, phục vụ lợi ích tối đa của doanh nghiệp. 

Thứ ba, các vấn đề công khai và minh bạch thông tin trong công ty cổ phần: đối với công ty cổ phần, vấn đề công khai và minh bạch thông tin là nghĩa vụ của lãnh đạo công ty, các vấn đề này cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này còn sơ lược cũng như chưa có sự tương thích với các thông lệ quốc tế. Điều đó đã dẫn đến các hệ lụy như làm mất niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước, gây thiệt hại cho thị trường và các bên liên quan. Mặt khác, vai trò của cổ đông đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần không được rõ ràng, hoặc buông lỏng, hoặc quá lạm dụng, làm mầm mống cho các xung đột, dẫn đến sự can thiệp thường xuyên của các cơ quan quản lý Nhà nước vào quản trị doanh nghiệp. Mặt khác, việc quản lý trong các công ty này phổ biến vẫn là “bình mới, rượu cũ”, do đó thiếu hiệu quả.

Thứ tư, các giao dịch với bên có liên quan: Đây là những giao dịch giữa hai hay nhiều bên có mối quan hệ đặc biệt với nhau trước khi giao dịch xảy ra. Hiện tượng giao dịch tư lợi diễn ra khá phổ biến, đặc biệt các DNNN xảy ra tình trạng này tương đối nhiều, nhất là trong các giao dịch lớn như mua sắm máy móc thiết bị, đấu thầu còn khá phổ biến. Vai trò của quản lý nhà nước trong việc buộc các doanh nghiệp phải công khai thông tin, kiểm tra thông tin về các giao dịch với các bên có liên quan còn hạn chế.

Thứ năm, về thành viên độc lập không điều hành: Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Chứng khoán 2019 chưa đưa ra định nghĩa mà chỉ quy định điều kiện và tiêu chuẩn cần đáp ứng đối với thành viên độc lập HĐQT. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, thành viên độc lập HĐQT phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau: 

+ Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;

+ Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên HĐQT được hưởng theo quy định;

+ Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

+ Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;

+ Không phải là người đã từng làm thành viên HĐQT, ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.

Mặc dù việc quy định về thành viên độc lập HĐQT là cần thiết, mang lại những lợi ích bền vững cho chính doanh nghiệp và các cổ đông. Thậm chí, đối với công ty đại chúng, đây không đơn thuần là quy định khuyến khích mà doanh nghiệp sẽ phải chịu chế tài nếu không đảm bảo tối thiểu số lượng thành viên độc lập HĐQT. Nhưng thực tế trong thời gian qua, việc tuân thủ quy định về thành viên độc lập HĐQT còn nhiều rào cản. Chẳng hạn như doanh nghiệp không tìm được các nhân sự có đủ điều kiện; hoặc có đủ điều kiện nhưng chưa am hiểu sâu sắc về doanh nghiệp; hoặc thành viên độc lập HĐQT hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự “độc lập” để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cổ đông.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, cơ chế bầu thành viên độc lập HĐQT cũng tương tự như các thành viên HĐQT khác, đó là được giới thiệu, đề cử bởi các cổ đông trong công ty. Điều này tiềm ẩn rủi ro là trên thực tế, bản thân cổ đông sẽ có sự “gài cắm” các lợi ích, chi phối việc giới thiệu, bầu thành viên độc lập HĐQT và qua đó kiểm soát, chi phối quyết định của thành viên độc lập HĐQT sau khi đã được bầu. Do có ràng buộc về lợi ích, những thành viên độc lập HĐQT này khó có thể thực hiện công việc giám sát hoạt động của HĐQT một cách độc lập khách quan đồng thời các thành viên trong quá trình tham gia vào các hoạt động của HĐQT Công ty dễ hình thành nên các mối quan hệ thân thiết nhất định với thành viên khác trong HĐQT hoặc với cổ đông. Mối quan hệ này có thể là yếu tố gây cản trở việc thành viên độc lập HĐQT đưa ra các ý kiến khách quan, mặt khác hiện nay cũng chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cho các đối tượng thành viên độc lập. Do đó, vẫn còn tình trạng thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

3Để quản trị vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phát huy hiệu quả

Xuất phát từ những bất cập trên, để thúc đẩy tạo tính tự chủ trong hoạt động kinh doanh của công ty thông qua biện pháp quản trị theo thông lệ quốc tế cần có những giải pháp thiết thực và cụ thể:

Thứ nhất, cân bằng giữa trách nhiệm của Nhà nước đối với việc chủ động thực hiện chức năng sở hữu; ví dụ như bổ nhiệm và bầu HĐQT và ban kiểm soát; đồng thời lại không được áp đặt hay can thiệp chính trị quá mức đối với tình hình quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo có một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và các DNNN, trong đó Nhà nước không tác động vào sự cạnh tranh thông qua các quy định hoặc quyền hạn giám sát mà tham gia với vai trò tư cách là cổ đông của Nhà nước.

Thứ hai, Nhà nước cần đóng vai trò chủ sở hữu có hiểu biết và tích cực, đảm bảo việc quản trị doanh nghiệp được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Chủ sở hữu cần đóng vai trò như một chủ sở hữu luôn chủ động và nắm rõ đầy đủ thông tin, thiết lập một chính sách về quyền sở hữu rõ ràng và nhất quán, đảm bảo rằng việc quản trị tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước sở hữu và công ty có vốn nhà nước sở hữu được thực hiện một cách minh bạch có trách nhiệm, mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo khuôn khổ pháp lý, quy định hiệu quả cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước sở hữu; đảm bảo một sân chơi bình đẳng công bằng bao gồm:

- Có đại diện tại đại hội đồng cổ đông biểu quyết và thực hiện hiệu quả quyền biểu quyết.

-  Xây dựng quy trình đề cử HĐQT rõ ràng dựa trên năng lực và minh bạch ở các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc phần lớn cổ phần chủ động tham gia vào việc đề cử HĐQT của tất cả các DNNN và góp phần tạo nên sự đa dạng HĐQT.

- Thiết lập và giám sát thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu chung cho bao gồm các mục tiêu tài chính, mục tiêu cơ cấu vốn và mức độ chịu đựng rủi ro.

- Thiết lập hệ thống báo cáo cho phép cơ quan sở hữu thường xuyên giám sát, kiểm toán và đánh giá hiệu quả hoạt động, theo dõi và giám sát sự tuân thủ các chuẩn mực quản trị công ty hiện hành.

- Khi phù hợp được sự cho phép của hệ thống pháp luật và mức độ sở hữu của Nhà nước, duy trì đối thoại thường xuyên với cơ quan kiểm toán độc lập và cơ quan kiểm soát nhà nước khác.

Thứ ba, đối xử công bằng với các cổ đông, chủ sở hữu và các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước phải công nhận quyền của tất cả cổ đông, đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của công ty. Chủ sở hữu nên nỗ lực hướng đến việc thực hiện đầy đủ Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty khi Nhà nước không phải là chủ sở hữu duy nhất tại công ty. Liên quan đến việc bảo vệ cổ đông, nội dung này bao gồm: Nhà nước và doanh nghiệp phải đảm bảo rằng mọi cổ đông được đối xử công bằng, công ty cần đảm bảo mức độ minh bạch cao, bao gồm việc công bố công bằng các thông tin đối với mọi cổ đông, phải tạo điều kiện cho sự tham gia của cổ đông thiểu số vào các cuộc họp cổ đông sao cho cổ đông có thể tham gia vào các quyết định quan trọng của doanh nghiệp như bầu HĐQT, giao dịch giữa chủ sở hữu và doanh nghiệp…

Thứ tư, giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan, chính sách nhà nước cần quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các bên có quyền lợi liên quan và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về mối quan hệ của họ với các bên có quyền lợi liên quan, thực hiện công bố các giao dịch nội bộ theo quy định của luật doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định pháp luật có liên quan đảm bảo mọi hoạt động của công ty đều được minh bạch. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thường xuyên thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán để phát hiện ra những vi phạm và cảnh báo cho các cổ đông và nhà đầu tư.

Thứ năm, tính minh bạch và công bố thông tin, các hoạt động của công ty đều phải thực hiện minh bạch thông tin theo thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với công ty niêm yết định kỳ hàng quý công ty công bố tình hình tài chính và các vấn đề có liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty, các số liệu tài chính phải công bố rõ ràng để cổ đông cũng như các nhà đầu tư nắm được kết quả  kinh doanh công ty và những kế hoạch mục tiêu đạt được, đồng thời hàng năm phải kiểm thuê đơn vị kiểm toán có uy tín chất lượng để kiểm toán báo cáo tài chính, đảm bảo rằng các số liệu được chính xác tuân thủ theo chuẩn mực kế toán.

Thứ sáu, cần luật hóa các quy định về thành viên độc lập HĐQT và ban kiểm soát. Hiện nay, thành viên độc lập HĐQT đang là xu thế tất yếu trong quản trị với công ty cổ phần và đặc biệt Nhà nước đứng trên vai trò là cổ đông hiện nay. Tuy nhiên, luật doanh nghiệp hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể về đối tượng này trong bộ máy của công ty cổ phần./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                 Luật Doanh nghiệp số 39-L/CTN ngày 20/4/1995.

2.                 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005.

3.                 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/ 2014.

4.                 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020.

5.                 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

6.                 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

7.                 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

8.                 G20/OECD (2015) Principles of Corporate Governance/Principes de gouvernement d'entreprise du G20 et de l'OCDE.

9.                 OECD (2005), OECD guidelines on corporate governance of state- owned enterprise, OECD publishing.

TS. Phạm Thị Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra